Không phân biệt đối xử trong kinh doanh mua bán nợ

Mạnh Nguyễn| 27/05/2016 13:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đang được các cơ quan chức năng soạn thảo, tuy nhiên Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh mua bán nợ.

Thị trường mua bán nợ tại Việt Nam hình thành như một tất yếu khách quan của phát triển kinh tế. Trên thực tế, hoạt động mua bán nợ tại Việt Nam đã xuất hiện từ năm 2003 với sự ra đời và hoạt động của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp - Bộ Tài chính (DATC) theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 6/2013, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. VAMC chính thức bắt đầu mua nợ xấu từ ngày 1/10/2013.

Hiện nay ngoài VAMC và DATC, tham gia mua bán nợ uy tín tại Việt Nam còn có các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) thuộc các ngân hàng thương mại.

Dù đã có các công ty hoạt động trong lĩnh vực mua bán nợ, nhưng Việt Nam lại chưa có thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Trước thời điểm 1/7/2015, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chưa nằm trong danh mục 15 ngành nghề bắt buộc phải công bố điều kiện kinh doanh. Đến 01/7/2015, Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành đã quy định đầu tư kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là một trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, cùng với 15 ngành nghề khác, đầu tư kinh doanh dịch vụ tư vấn mua bán nợ chưa được quy định về điều kiện kinh doanh. Việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động này là cần thiết trong bối cảnh từ 1/7 tới, Chính phủ phải công bố điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Không phân biệt đối xử trong kinh doanh mua bán nợ

Tinh thần xây dựng Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là không tạo ra phân biệt đối xử với các tổ chức kinh doanh

Chiều 25/5/2016, tại cuộc họp cho ý kiến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho biết tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thì phải thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ nói chung phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về người quản lý của doanh nghiệp, có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức và hoạt động kinh doanh và đáp ứng quy định về vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu.

Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam và không áp dụng với các hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trái phiếu của doanh nghiệp được chào bán ra công chúng cũng như hoạt động mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Nghị định cũng quy định điều kiện với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ; doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ.

Sau khi nghe ý từ các bộ, ngành, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, việc xây dựng nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ này là khó khăn khi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh mua bán nợ. Phó Thủ tướng đồng tình với việc dự thảo nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư sửa đổi.

Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các khái niệm về mua bán nợ, nhất là khái niệm kinh doanh mua bán nợ để tách bạch hoạt động mua nợ để bán với việc mua bán nợ để tái cấu trúc khoản nợ và doanh nghiệp; quy định khả thi về vốn điều lệ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua bán, tư vấn và môi giới mua bán nợ, trách nhiệm điều hành hoạt động của sàn giao dịch nợ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tinh thần xây dựng Nghị định này là không được trái với các quy định của Hiến pháp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, không tạo ra phân biệt đối xử với các tổ chức kinh doanh mua bán nợ trong nước và nước ngoài trừ các quy định đặc thù như mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Trong phát biểu chỉ đạo của mình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Một khi đã tham gia thị trường chung kinh doanh dịch vụ mua bán nợ này thì tất cả phải tuân thủ quy định, kể cả VAMC và DATC”.

Chính phủ giao Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ mua bán nợ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc sửa đổi Nghị định 155/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó có quy định xử phạt khi vi phạm kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Theo dự kiến, cơ quan soạn thảo sẽ sớm tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ để kịp trình Chính phủ thảo luận, cho ý kiến vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.                                                                           

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không phân biệt đối xử trong kinh doanh mua bán nợ