Để doanh nghiệp và ngân hàng xích lại gần nhau: Cả hai đều phải nỗ lực

29/06/2012 07:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có nhiều lý do khiến cho vốn ngân hàng vẫn chưa gặp được doanh nghiệp. Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Quản trị hiệu quả nguồn vốn cơ hội đầu tư 6 tháng cuối năm”.

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cổng thông tin lãi suất ngân hàng (Laisuat.vn) tổ chức gần đây.

Cầu vẫn còn thấp

Phân tích tình hình kinh tế thế giới, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng, năm 2012 tiềm ẩn nhiều rủi ro, bội chi ngân sách các nước rất cao. Thậm chí có nước có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ, ngay việc trả lương công chức cũng phải ghi nợ. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng của Việt Nam duy trì được ở mức 5-5,5%, lạm phát khoảng 7% là thành công. Vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm, dự trữ ngoại tệ cũng tăng khá nhanh. Mặt khác, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) vừa qua cũng nâng mức triển vọng xếp hạng của Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định. Xếp hạng tín nhiệm dài hạn và ngắn hạn của Việt Nam đang được duy trì lần lượt là BB- và B.

Có cùng nhận định, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đánh giá: diễn biến kinh tế vĩ mô có dấu hiệu tích cực, kỳ vọng lạm phát năm 2012 ở mức 7-8%, đây là tín hiệu đáng mừng. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, do đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết, 6 tháng qua họ hầu như không phải lo lắng về sự bất ổn tỷ giá. Thực tế, trước đây, từng có thời gian, nếu thị trường ngoại hối và tỷ giá biến động sẽ gây sức ép lên hoạt động của doanh nghiệp (DN). NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ từ nền kinh tế, khi dự trữ ngoại hối tăng lên cũng tạo điều kiện tăng tín nhiệm.

Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý: tuy kinh tế vĩ mô có cải thiện nhưng chưa vững chắc. Cụ thể, chỉ số CPI tăng chậm một phần do suy giảm cầu, đồng thời nhập khẩu cũng suy giảm do sản xuất phát triển chậm. Mặc dù tổng tiền gửi tăng lên nhưng tổng dư nợ tín dụng giảm, ngoài ra vẫn còn có khoảng cách giữa ngân hàng thương mại (NHTM) và DN. Nhiều NHTM thừa vốn nhưng DN bị tồn kho, không bán được hàng, không trả được nợ, do đó nhiều DN không thể hấp thụ được vốn.

Để doanh nghiệp và ngân hàng xích lại gần nhau: Cả hai đều phải nỗ lực

Về phía ngân hàng thương mại, ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Nhà Tp. Hồ Chí Minh (HDBank ), cho biết: thực tế hiện nay, lợi dụng các chính sách ưu đãi tín dụng của NHNN về các nhóm ngành nghề, một số DN “lách luật”. Ví dụ như có những Công ty Bất động sản chuyển sang kinh doanh thêm về thủy sản, nông nghiệp nông thôn, để tận dụng ưu đãi vay vốn, sử dụng không đúng mục đích, đây là sự méo mó thị trường. Việc quản lý dòng vốn của DN dàn trải dẫn đến mất cân đối vốn, vẫn nợ ngân hàng, trong khi tiền DN khác nợ thì lại không thu kịp, không khớp với chu kỳ kinh doanh, dẫn đến càng ngày rủi ro càng tăng cao.

Cần tạo dựng lòng tin cho nhau

Thực tế nhiều DN gặp khó khăn khi quay vòng vốn không kịp, trong khi tài sản đã thế chấp. Do đó, cần xem xét nhiều hơn đến hoạt động cho vay tín chấp, quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp các DN đang trong trạng thái vẫn có hợp đồng xuất khẩu được nhưng bán hàng bị chậm tạm thời.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, DN cần biết tự cứu mình, vận dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các nguồn vốn. Hiện nay, chính trong bối cảnh khó khăn chung kinh tế thế giới lại có làn sóng đầu tư của các DN Nhật Bản, Hàn Quốc vào Việt Nam, vì vậy các DN phải tận dụng tốt cơ hội này.

Đại diện phía NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN cũng đề nghị các tổ chức tín dụng giảm miễn lãi vay, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo các chỉ đạo của Chính phủ. Trong vòng 3 tháng qua, NHNN đã giảm lãi suất 4 lần, hiện trần lãi suất huy động xuống còn 9% một năm. Do đó, có thể nói, việc tăng trưởng tín dụng chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó giá vốn chỉ là một yếu tố.

Theo ông Phạm Thiện Long, cả hai bên DN và ngân hàng cần phải có sự thay đổi, cần tạo dựng được lòng tin đối với nhau. Về phía các ngân hàng, cần nới lỏng điều kiện cho vay, nhất là đối với những DN thẳng thắn, minh bạch với ngân hàng, chia sẻ khó khăn, có thể cho vay những DN có hàng tồn kho có thể bán được. Ngân hàng chấp nhận những khoản phải thu, tái tài trợ cho những khoản đó, với điều kiện chủ nợ phải có uy tín, đảm bảo tiến độ trả nợ cho ngân hàng. DN cần làm rõ nguồn thu, sử dụng những kỹ năng xây dựng dự án kinh doanh tốt, minh bạch, có dòng tiền thì ngân hàng vẫn có thể cho vay tín chấp với lãi suất thấp.

Nhận định về các kênh huy động vốn khác, ông Trương Tấn Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn AsiaInvest, cho rằng : kênh trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường có tồn tại trên thực tế, nhưng vấn đề là khả năng tiếp cận của DN. Bởi lẽ, nhà đầu tư trái phiếu là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, đủ những công cụ phân tích tài chính mới đầu tư trái phiếu. Do đó, DN quy mô nhỏ không đủ tầm phát hành trái phiếu với số lượng hàng trăm tỷ đồng một lần.

“Đã qua cái thời có thể huy động vốn dễ dãi như những năm 2006, 2007. Do đó cần phải có phương án kinh doanh thật sự hiệu quả, có đầy đủ thông tin thị trường, thông tin đầy đủ về các đối thủ cạnh tranh, đồng thời cần khắc phục điểm yếu của các DN hiện nay là kế hoạch kinh doanh khá đơn giản. DN Phải có kế hoạch chi tiết doanh thu, lợi nhuận, chi phí, có kế hoạch dòng tiền, cụ thể thời gian trả lãi, gốc, gắn với trách nhiệm quản lý từng bộ phận…” - Ông Trương Tấn Nghĩa nhấn mạnh.

Quang Toàn
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để doanh nghiệp và ngân hàng xích lại gần nhau: Cả hai đều phải nỗ lực