Chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Mạnh Nguyễn| 16/02/2018 09:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tăng trưởng kinh tế 2017 có một phần đóng góp tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ. Năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.

Năm 2017, tính chung GDP cả năm tăng 6,81%. Mức tăng trưởng này vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 – 2016.

Chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, kết quả tăng trưởng kinh tế vượt bậc của năm 2017 là thành quả nỗ lực chung của toàn nền kinh tế, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Trong đó có một phần đóng góp tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ (CSTT).

CSTT đã góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi, giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, cụ thể: lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53% - thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Đáng chú ý là điều hành CSTT đã giúp đảm bảo duy trì lạm phát cơ bản bình quân cả năm 1,41%, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý. Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm 0,5-1%/năm; dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng kỷ lục giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường vĩ mô Việt Nam.

Từ đầu năm 2017, căn cứ mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, trong điều hành, NHNN đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng thực tế đạt 18,17%, phù hợp với định hướng đầu năm, đặc biệt trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn thì tín dụng đã tăng ngay từ tháng đầu năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cải thiện kể từ quý II/2017.

Đáng chú ý tín dụng mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), nhất là lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 22,1%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; tín dụng đối với ngành công nghiệp ưu tiên phát triển tăng khá mạnh với tốc độ ước đạt 22,13%; cho vay ứng dụng công nghệ cao ước tăng 20% ; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03%...

Đặc biệt, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro được kiểm soát chặt chẽ: Đến tháng 11/2017, tỷ trọng tín dụng cho các ngành có tính rủi ro cao có chiều hướng giảm như tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản giảm từ 7,71% năm 2016 xuống 6,53% tổng dư nợ, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng dư nợ.

Bước sang năm 2018 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ đã xác định trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2018 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu đối với ngành Ngân hàng là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 4%), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,7%; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; tổ chức thực hiện quyết liệt và khẩn trương Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; tiếp tục phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng...

Năm 2018, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra; Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế đi đôi với việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; Tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động; Tổ chức triển khai áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế