Agribank Lâm Đồng: Làm tốt vai trò đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Minh Trung| 23/03/2018 20:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không chỉ cho vay tái canh cà phê, Agirbank Lâm Đồng còn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với đầu tư vốn xây dựng nông thôn mới.

Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, đồng thời là tỉnh có diện tích lớn thứ bảy cả nước tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nằm trên cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên là Lâm Viên - Di Linh với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế.

Với diện tích tự nhiên 9.765 km2 , khoảng 255.407 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 209.000 ha đất bazan tập trung ở cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày (trong đó: Diện tích trồng chè và cà phê khoảng 158.000 ha, diện tích sản xuất rau, hoa trên 23.783 ha tập trung tại Dalat, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, . .). Nhận thức được tiềm năng và lợi thế đó, từ năm 2003, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2004. Với 8 chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh triển khai là bước đột phá lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đầy tiềm năng này, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho nhân dân trong tỉnh Lâm Đồng.

Hiệu quả đầu tư cho tái canh cây cà phê

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh hiện có 158.000 ha cà phê, trong đó có tới 50.000 ha già cỗi, năng suất thấp dưới 2 tấn/ha. Từ năm 2015, UBND tỉnh đã ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chương trình hợp tác, hỗ trợ vốn tái canh cây cà phê và đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Đến 31/12/2017, theo kế hoạch diện tích cà phê tái canh của tỉnh đạt 22.000 ha, nhưng trên thực tế toàn tỉnh đã tái canh được 47.000 ha, tăng hơn 2 lần so với dự kiến ban đầu.

Agribank Lâm Đồng: Làm tốt vai trò đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Không chỉ tái canh thành công mà năng suất cà phê của Lâm Đồng đã vươn lên dẫn đầu cả nước, vượt qua tỉnh Đắk Lắk (năm 2017, cà phê Lâm Đồng đạt năng suất 3,06 tấn/ha, sản lượng 454.000 tấn). Ông Yên còn cho biết, theo số liệu của Hiệp hội cà phê - Ca cao Việt Nam thì diện tích cà phê đạt 664,6 ha, tăng 14,1 nghìn ha (+2,2%); năng suất tăng 3,1%; sản lượng đạt 1.529,7 nghìn tấn, tăng 68,9 tấn (+4,7%) so với năm 2016.

Theo ông Yên, có được kết quả này là nhờ Agribank Lâm Đồng đã chủ động khơi thông nguồn vốn cho vay, hiệu quả, đúng đối tượng theo chủ trương tái canh nhưng không làm cho người trồng cà phê bị “mất” thu nhập. Theo đó, việc ghép chồi ở mỗi vườn cà phê không thực hiện đồng loạt mà làm theo kiểu cuốn chiếu. Chẳng hạn, năm đầu làm trên khoảng 1/3 diện tích vườn, năm thứ hai làm 1/3 diện tích tiếp theo, năm cuối làm 1/3 diện tích còn lại. Chính cách làm sáng tạo của địa phương với hiệu quả từ thực tế chương trình tái canh cà phê đã tạo sức thuyết phục rất lớn đối với người trồng cà phê ở Lâm Đồng, khi mà các vườn tái canh đều thể hiện năng suất vượt trội.

Bà Nguyễn Thị Luyên, nông dân ở thôn Lộc Châu 3, xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh) đã vay 280 triệu đồng từ Agribank để thực hiện tái canh 2 ha cà phê. Vườn cà phê tái canh của gia đình Bà hiện phát triển rất tốt và có triển vọng cho năng suất tới 5 tấn/ha sau 3 năm tái canh (năng suất khi chưa tái canh chỉ đạt 2-2,2 tấn/ha). Theo Bà Luyên, đây là con số hoàn toàn có cơ sở, bởi trong thôn Lộc Châu 3, những hộ đã thực hiện tái canh trước gia đình bà Luyên, đều đã đạt năng suất 5 tấn/ha sau 3 năm tái canh, đến năm thứ 4, thứ 5 đạt 6-7 tấn/ha.

Không chỉ cho vay tái canh cà phê, Agirbank Lâm Đồng còn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với đầu tư vốn xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình hỗ trợ huyện nghèo. Trong xây dựng NTM, Agribank đã đầu tư  6.800 tỷ đồng cho 113 xã trên địa bàn, với 19.000 nghìn hộ dân được tiếp cận nguồn vốn. Năm 2017, Agribank Lâm Đồng cho vay đạt 11.141 tỷ đồng (tỷ lệ tăng trưởng đạt 28,42% trong đó 88,05% là dư nợ nông nghiệp và nông thôn), đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ còn 0,12%/tổng dư nợ. Đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đã trở thành điểm sáng trong hoạt động của Agribank Lâm Đồng trong những năm gần đây.

Đến hiệu quả đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao

Ông Trần Huy Đường – Giám đốc Công ty TNHH trang trại Langbiang Farm - là một trong những người thành công với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là một khách hàng uy tín của Agribank Lâm Đồng trong nhiều năm nay.

Agribank Lâm Đồng: Làm tốt vai trò đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Ông Đường cho biết: "Nhờ những ưu đãi và sự nhiệt tình trong chăm sóc khách hàng, Agribank Lâm Đồng đã có nhiều doanh nghiệp và cá nhân luôn trung thành. Cũng có nhiều ngân hàng đến gợi ý cho vay vốn với lãi suất khá cạnh tranh, nhưng tôi vẫn chọn Agribank vì ngân hàng này luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp ngay cả những lúc khó khăn. Thủ tục vay vốn của Agribank lại nhanh chóng và dễ dàng “Tôi đã gắn bó với ngân hàng này trên 20 năm".

Với diện tích trang trại hơn 27ha, hiện doanh thu hằng năm tại Langbiang Farm của ông Đường đạt trên 40 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 100 lao động thường xuyên với mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng/người/tháng. Với dư nợ hiện nay trên 14 tỷ đồng, ông Đường cho biết sắp tới Công ty sẽ liên kết với ngân hàng này để mở rộng diện tích trang trại, đầu tư cho du lịch canh nông một mô hình phát triển mới tại đây.

Cũng như doanh nghiệp của ông Đường, Công ty TNHH SX – TM nông sản Phong Thúy có diện tích sản xuất rau, củ, quả các loại khoảng 130ha, đồng thời kinh doanh các loại nông sản khác với doanh thu lên tới 150 tỷ đồng mỗi năm (với dư nợ hàng năm dao động khoảng 7 - 10 tỷ đồng). Năm 2016,  ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc công ty, đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba với hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP

Agribank Lâm Đồng: Làm tốt vai trò đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Thông qua các chương trình ưu đãi cho vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu nhập của người dân đã được cải thiện đáng kể, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo bền vững. Hiện tỉnh đã có 1 huyện nông thôn mới và 60 xã (chiếm 53%/ tổng số 113 xã) nông thôn mới đạt chuẩn quốc gia. Nhiều sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Thành công của tái canh cà phê và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh này trong suốt 30 năm qua; với những chính sách ưu đãi, thủ tục nhanh gọn nhằm giúp nông dân tiếp cận được nhanh chóng, dễ dàng và có được nguồn vốn cần thiết để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn huy động đạt 8.103 tỷ đồng, tăng 1.355 tỷ đồng (+19,72%) , đạt 113,63% so với kế hoạch giao năm 2017; Tổng dư nợ đạt 11.141 tỷ đồng, tăng 2.466 tỷ đồng (+28,42%), đạt 152,91% kế hoạch giao năm 2017; Tỷ lệ nợ xấu đạt 0,11% tổng dư nợ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank Lâm Đồng: Làm tốt vai trò đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn