Việt Nam chưa cho phép tổ chức, DN, cá nhân mua, bán vàng trên sàn giao dịch

Đỗ Văn Chỉnh| 19/11/2014 06:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một số Tòa án đang có ý kiến khác nhau về việc doanh nghiệp, công ty cổ phần tổ chức mua, bán vàng trên sàn giao dịch của Công ty.

Có ý kiến cho rằng việc mua, bán vàng trên sàn giao dịch của Công ty, doanh nghiệp là hợp pháp. Vì vàng là hàng hóa kinh doanh có điều kiện mà Nhà nước không cấm. Ý kiến khác lại cho rằng việc mua, bán vàng trên sàn giao dịch của Công ty, doanh nghiệp là không hợp pháp. Vì tuy vàng là hàng hóa kinh doanh có điều kiện nhưng Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân được kinh doanh loại vàng nào (vàng trang sức hay vàng miếng…), thì người đó chỉ được kinh doanh loại vàng đó. Cho đến nay Nhà nước ta không quy định cho tổ chức, cá nhân được mua vàng, bán vàng trên sàn giao dịch của Công ty, doanh nghiệp đó.

Chúng tôi xin trao đổi về vấn đề này như sau:

- Vàng trong bài viết này là kim loại màu vàng, có giá trị cao, được sử dụng trong nghiên cứu khoa học, trong y tế, trong công nghiệp, trong đời sống xã hội và là hàng hóa, là ngoại hối của Nhà nước Việt Nam.

Việt Nam chưa cho phép tổ chức, DN, cá nhân mua, bán vàng trên sàn giao dịch

Việc mua bán vàng trên sàn giao dịch chưa được Nhà nước cho phép

- Từ sau khi Nhà nước Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước vào năm 1986, tính đến nay (năm 2014), Nhà nước Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật về vàng như sau:

+ Năm 1988: Có hai văn bản pháp luật là:

a. Nghị định số 161/HĐBT ngày 18/10/1998 của Hội đồng Bộ trưởng.

b. Điều lệ quản lý ngoại hối ban hành kèm theo Nghị định số 161/HĐBT ngày 18/10/1998 của Hội đồng Bộ trưởng.

Hai văn bản pháp luật nói trên đều quy định vàng là ngoại hối do Nhà nước thống nhất quản lý.

+ Năm 1989: Có một văn bản là Quyết định số 139/CT ngày 24/5/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh, hộ kinh tế cá thể kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Tại Điều 2 của Quyết định này có quy định như sau: “Nhà nước cho phép các đơn vị kinh tế tập thể, hộ kinh tế cá thể được kinh doanh vàng, bạc, đá quý ở những nơi tập trung dân cứ thực sự có nhu cầu và theo đúng các quy định nói tại quyết định này”. Tại Điều 7 của Quyết định này có quy định như sau: “Từ nay các đơn vị và cá nhân không có giấy phép kinh doanh vàng, bạc do Ngân hàng Nhà nước cấp, không được tiếp tục kinh doanh”.

+ Năm 1990: Có ba văn bản pháp luật là:

a.Chỉ thị số 330-CT ngày 13/9/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường quản lý ngoại hối. Tại Điều 8 của Chị thị này quy định như sau: “Việc nhập khẩu vàng do Ngân hàng Nhà nước đảm nhận, các tổ chức khác chỉ được nhập vàng khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép… Các cửa hàng kim hoàn được phép kinh doanh theo Quyết định số 139-/CT ngày 24/5/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng… Cấm sử dụng vàng dưới bất cứ hình thức nào để thanh toán, chi trả cho việc mua, bán hàng qua biên giới”.

b.Thông tư số 222-NH/TT ngày 20/10/1990 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 330-NH/TT ngày 13/9/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trong Thông tư này có nêu lại nội dung Điều 8 của Chỉ thị số 330 mà chúng tôi trích dẫn ở trên.

c.Quyết định số 96-NH/QĐ ngày 5/11/1990 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cấp giấy phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài, bán hàng và làm dịch vụ ngoại tệ và nhập khẩu vàng. Mục 3 của Quyết định này quy định các đối tượng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép là:

-  Công ty kinh doanh vàng, bạc cấp quốc doanh

- Các tổ chức nhận vàng nước ngoài theo hợp đồng gia công tái xuất

- Các tổ chức được phép sản xuất tư trang vàng xuất khẩu

- Các đơn vị làm dịch vụ ngoại hối.

+ Năm 1992: Có ba văn bản pháp luật:

a.Quyết định số 42/QĐ-NH1 ngày 21/2/1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc huy động vốn và cho vay bảo đảm theo giá trị vàng.

b.Quyết định số 57/QĐ-NH1 ngày 31/3/1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất huy động vốn và cho vay bảo đảm giá trị theo giá vàng.

c.Thông tư số 05/TT-NH1 ngày 31/3/1992 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành Quyết định số 42/QĐ-NH1 ngày 21/2/1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

+ Năm 1999: Có một văn bản pháp luật là:

Nghị định số 147/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tại Điều 1 của Nghị định này quy định đối tượng phạm vi điều chỉnh như sau: “1, Đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vàng, không bao gồm hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của doanh nghiệp khai thác vàng. 2, Phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là hoạt động kinh doanh vàng không phải vàng tiêu chuẩn quốc tế bao gồm: vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng và vàng nguyên liệu”. Tại Điều 3 của Nghị định quy định rõ là: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này”.

+ Năm 2003: Có một văn bản pháp luật là:

Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nội dung sửa đổi bổ sung như sau: Bãi bỏ quy định về thẩm quyền điều chỉnh mức vốn pháp định. Sửa đổi quy định về điều kiện và phạm vi hoạt động kinh doanh vàng. Sửa đổi quy định về sản xuất vàng miếng. Sửa đổi quy định về xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ. Sửa đổi quy định về xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng.

+ Năm 2006: Có một văn bản pháp luật là:

Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Điều 4 của Nghị định này quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Tại điểm 15 Mục 2 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ có quy định về vàng được thực hiện theo văn bản pháp luật là Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 của Chính phủ và thực hiện theo Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ.

+ Năm 2012: Có hai văn vản pháp luật:

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cụ thể là quy định về hoạt động sản xuất gia công và mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Về hoạt động mua, bán vàng miếng. Về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng. Về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định này thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 của Chính phủ và thay thế Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ kể từ ngày 25/5/2013 (ngày Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành).

+ Năm 2013: Có hai văn bản pháp luật:

a.Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg ngày 4/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước.

b.Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nghiên cứu nội dung các văn bản pháp luật mà chúng tôi trình bày ở trên thì thấy rằng:

Một là: Kể từ ngày có Quyết định số 139/CT ngày 24/5/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đến nay (tháng 5/2014) thì Nhà nước Việt Nam chỉ quy định cho phép tổ chức, cá nhân được kinh doanh sản xuất các loại vàng sau đây: Vàng trang sức, mỹ nghệ. Sản xuất vàng miếng. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng nguyên liệu, vàng miếng và vàng của doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài.

Hai là: Từ năm 1989 (năm Nhà nước Việt Nam cho tổ chức, cá nhân được kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng) đến nay, Nhà nước Việt Nam không cho phép tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được mua, bán vàng trên sàn giao dịch vàng.

Do đó, trường hợp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mua, bán vàng trên sàn giao dịch vàng là giao dịch không hợp pháp, không được pháp luật công nhận. Nếu có tranh chấp trong việc mua bán vàng trên sàn giao dịch vàng thì cần được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu. Vì không có đủ các điều kiện quy định tại Điều 122 của BLDS.

Tìm hiểu người mua bán vàng trên sàn giao dịch vàng, chúng tôi được biết là đây là hình thức mua bán ảo. Cụ thể người bán và người mua vàng đều không có ai nhìn thấy vàng mà chỉ thấy trên màn hình các chỉ số chất lượng vàng, loại vàng, giá giao dịch của bên mua, bên bán. Nhưng tiền mua vàng lại là có thật tại tài khoản của người mua vàng và việc thanh toán được thực hiện trên tài khoản của người mua vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chưa cho phép tổ chức, DN, cá nhân mua, bán vàng trên sàn giao dịch