Vietsovpetro: Biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Nga

Phạm Đoàn| 06/01/2015 16:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được thành lập ngày 19/11/1981 và hoạt động trên cơ sở các Hiệp định Liên Chính phủ được ký kết giữa CHXHCN Việt Nam và Liên Xô/ Liên bang Nga giờ LD Vietsovpetro đã tròn 33 năm xây dựng và phát triển.

33 năm – chặng đường phát triển

Sau 2 năm nghiên cứu tài liệu và tiến hành công tác thực địa, cuối năm 1983, Vietsovpetro đã triển khai khoan giếng BH-5  - giếng thăm dò đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và tháng 5-1984 đã phát hiện dòng dầu công nghiệp ở giếng khoan này. Sau phát hiện quan trọng đó, Vietsovpetro đã khẩn trương triển khai thiết kế, xây dựng giàn cố định và tháng 6-1986, tấn dầu đầu tiên  được khai thác ở thềm lục địa Việt Nam, mở ra ngành công nghiệp mới - công nghiệp dầu khí.

Tháng 6-1985,Vietsovpetro tiếp tục phát hiện vỉa dầu công nghiệp ở mỏ Rồng. Tháng 5-1987, Vietsovpetro đã có một phát hiện quan trọng, đó là tìm ra vỉa dầu trong tầng móng phong hóa và kể từ khi đưa tầng dầu móng phong hóa vào khai thác năm 1988, sản lượng khai thác hàng năm của đơn vị tăng lên rất nhanh. Sản lượng dầu thô của Vietsovpetro đã tăng lên liên tục qua từng năm, lần lượt đạt mốc tấn dầu thứ 5 triệu vào năm 1990, 20 triệu vào năm 1993, thứ 100 triệu vào năm 2001, thứ 150 triệu vào năm 2005 và đã đạt mốc khai thác tấn dầu thô thứ 200 triệu vào ngày 8/8/2012. Đến nay, lượng dầu khai thác từ tầng móng đã chiếm hơn 90% sản lượng chung của Vietsovpetro.

Vietsovpetro: Biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Nga

Ngay từ khi được phép hoạt động và đặt trụ sở tại Việt Nam cuối năm 1981,  Vietsovpetro đã bắt tay vào việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam

Sau hơn một phần tư thế kỷ xây dựng và phát triển, Vietsovpetro đã đạt được những thành tựu chính sau đây:

Vietsovpetro hiện có 15 đơn vị thành viên với đội ngũ lao động quốc tế  hơn 7000 cán bộ khoa học, kỹ thuật (trong đó có gần 600 người Nga) có trình độ chuyên môn cao, đủ năng lực đảm đương toàn bộ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí không chỉ của Vietsovpetro mà của cả ngành Dầu khí Việt Nam.

Sau hơn 30 năm hoạt động, Vietsovpetro đã khảo sát hơn 100.000 km tuyến địa chấn 2D và hàng chục nghìn km2 tuyến địa chấn 3D; đã khoan hàng trăm giếng khoan tìm kiếm - thăm dò và khai thác. Tại 2 mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng đã xây dựng tổ hợp các công trình khai thác dầu biển,  gồm: 12 giàn  khai thác cố định, 14 giàn nhẹ, 2 giàn công nghệ trung tâm, 2 giàn nén khí, 4 giàn duy trì áp suất vỉa, 4 tàu chứa dầu. Tất cả các công trình được kết nối thành một hệ thống đường ống ngầm nội mỏ, liên mỏ dài hơn 600km. Tại căn cứ tổng hợp trên bờ đã xây dựng một tổ hợp tương đối hoàn chỉnh, hệ thống kho cảng bảo đảm cung ứng dịch vụ cho khoan hàng trăm ngàn mét khoan/năm, cảng chuyên dụng gồm 10 cầu cảng dài 1300 mét và 2 bãi lắp ráp chuyên dụng phục vụ cho công tác lắp ráp giàn khoan.

Tính đến cuối năm 2014, Vietsovpetro đã khai thác được hơn 213 triệu tấn dầu thô, vận chuyển khí về bờ 27 tỷ m3 khí, đạt doanh thu gần 72 tỉ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 45 tỉ USD, góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển kinh tế đất nước.

Đồng thời, Vietsovpetro là động lực thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, dịch vụ của trung ương và địa phương, góp phần vào việc phát huy nội lực của nền kinh tế đất nước. Việc cung cấp khí từ mỏ Bạch Hổ vào bờ năm 1995 đã kéo theo việc hình thành, phát triển ngành công nghiệp khí –điện – đạm cũng như các loại hình dịch vụ phục vụ khác tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Một trong những thành tựu quan trọng của Vietsovpetro là công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ và công nhân dầu khí Việt Nam. Trong quá trình cùng làm việc, các chuyên gia Liên Xô/Nga đã tích cực truyền đạt cho đồng nghiệp Việt Nam những kiến thức và kinh nghiệm công tác. Nhờ vậy, các cán bộ, chuyên gia và công nhân Việt Nam trong Vietsovpetro đã nhanh chóng trưởng thành và đảm đương được hầu hết các công việc còn hoàn toàn mới ở Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu, khí. Trong suốt hơn 30 năm qua, tập thể lao động quốc tế Việt - Nga đã lao động cần cù, sáng tạo trong không khí đoàn kết, gắn bó, cùng nhau chia sẻ  và không ngừng phát huy truyền thống hữu nghị vốn có giữa nhân dân hai nước.

Bên cạnh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội (ASXH), hỗ trợ các địa phương xây dựng trường học, trạm y tế, trùng tu các khu di tích lịch sử, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, ủng hộ đồng bào các vùng gặp thiên tai…Hằng năm người lao động Vietsovpetro đóng góp nhiều ngày lương với tổng số tiền hàng chục tỷ  đồng để phục vụ công tác ASXH như hỗ trợ các quỹ xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quỹ tương trợ dầu khí, quỹ hỗ trợ những người lao động Vietsovpetro gặp khó khăn, quỹ vì thế hệ trẻ, quỹ vì nghĩa tình đồng đội cùng các hoạt động từ thiện khác.

Với kết quả đã đạt được, Vietsovpetro đã trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và đã vinh dự được Đảng và Nhà nước Việt Nam 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng.

Hướng tới mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế

Vietsovpetro: Biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Nga

Vietsovpetro hiện có 15 đơn vị thành viên với đội ngũ lao động quốc tế  hơn 7000 cán bộ khoa học, kỹ thuật (trong đó có gần 600 người Nga) có trình độ chuyên môn cao

Mục tiêu chiến lược phát triển của Vietsovpetro trong các năm tiếp theo là cùng các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng ngành Dầu khí thành tập đoàn kinh tế vững mạnh. Từ mục tiêu tổng quát đó, Vietsovpetro tập trung phấn đấu với những bước đi, mục tiêu cụ thể như:

1.  Tiếp tục bảo đảm khai thác dầu khí một cách an toàn và hiệu quả trên cơ sở Sơ đồ công nghệ khai thác và xây dựng mỏ Bạch Hổ hiệu chỉnh được Chính phủ phê duyệt  và Sơ đồ tổng thể phát triển mỏ Rồng.

2. Thường xuyên thực hiện công tác khảo sát, kịp thời thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp và hoán cải hệ thống công nghệ, thiết bị trên bờ và ngoài biển nhằm không ngừng nâng cao mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố và tai nạn lao động, bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tận thăm dò, gia tăng trữ lượng, tìm mọi giải pháp để sớm đưa các khu vực có triển vọng đã được đánh giá trữ lượng vào khai thác nhằm duy trì và ổn định sản lượng khai thác trong giai đoạn mới.

3. Đầu tư nghiên cứu và áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu ở các tầng Mioxen, Olygoxen và tầng móng.

4.Tăng cường công tác tìm kiếm, thăm dò mở rộng vùng hoạt động của Vietsovpetro tại Việt Nam và nước ngoài, chuẩn bị khẩn trương đưa các mỏ đã đánh giá trữ lượng trên thềm lục địa Việt Nam và nước khác vào khai thác.

5. Vietsovpetro sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng dầu khí. Hướng phát triển chủ yếu của Vietsovpetro là thềm lục địa Việt Nam, ưu tiên tìm kiếm, thăm dò ở các vùng nước sâu. Tích cực mở rộng vùng hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác ở Liên bang Nga, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và các nước thứ ba. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vietsovpetro: Biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Nga