Tiếp tục bàn giao các Tổng công ty về "siêu" Ủy ban

Lan Trần| 13/11/2018 06:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp theo Bộ Công Thương, đến lượt Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Tài chính có 1 doanh nghiệp thuộc diện bàn giao sang Ủy ban, đó là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). SCIC được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Tiếp tục bàn giao các Tổng công ty về

Theo đó, sáng 12/11, Bộ Tài chính đã chính thức bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại SCIC từ Bộ Tài chính về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sau khi tiếp nhận SCIC, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, nhiệm vụ, vai trò được giao. Đồng thời tiếp tục sắp xếp, đổi mới tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng trong ngày 12/11, 5 tổng công ty đã được Bộ GTVT chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước  từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp .

5 tổng công ty gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (Siêu Uỷ ban).

Phát biểu tại Lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khẳng định, sau khi chuyển giao, các bộ quản lý ngành lĩnh vực, như Bộ Giao thông Vận tải vẫn còn nguyên 5 chức năng quản lý nhà nước như hiện nay, bao gồm: xây dựng hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật về hoạt động của các DN nhà nước; vẫn là cơ quan xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển trong các lĩnh vực này; thiết lập hệ thống định mức, tiêu chuẩn liên quan lĩnh vực này; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan quản lý nhà nước; thanh kiểm tra việc tuân thủ pháp luật.

“Chuyển chức năng đại diện vốn nhà nước phân tán của các bộ về Ủy ban không hề làm suy giảm, ngược lại còn tạo điều kiện cho các bộ ngành làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước của mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chiều 12/11, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng  đã chuyển giao 2 tập đoàn, tổng công ty gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục bàn giao các Tổng công ty về "siêu" Ủy ban