Tham gia BHXH để hưởng lương hưu: Đề xuất rút ngắn điều kiện thời gian đóng

Lan Trần| 07/05/2018 11:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong các nội dung cơ bản của Đề án cải cách chính sách BHXH, có đề xuất giảm điều kiện về năm tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Theo đó, thay vì phải đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu khi tới tuổi, có thể giảm xuống 15 năm.

8 đề xuất cải cách BHXH trình Trung ương

Theo kế hoạch, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội sẽ được đưa ra bàn thảo, trong đó sẽ có những định hướng về chính sách BHXH thời gian tới.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đề án đã cơ bản hoàn tất với 2 phương án đặt ra: phương án thứ nhất là có thể cải cách về BHXH, phương án thứ hai là sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung một số vấn đề về BHXH. Tuy nhiên, tinh thần chung là sẽ tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Tham gia BHXH để hưởng lương hưu: Đề xuất rút ngắn điều kiện thời gian đóng

Ảnh minh họa

Đề án nêu lên 8 yếu tố đột phá nhằm phúc đáp quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân.

Đầu tiên, Đề án mở rộng diện bao phủ BHXH, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng và hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Ban soạn thảo Đề án thiết kế hệ thống BHXH đa tầng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Đánh giá về hệ thống BHXH đa tầng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Đề án thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro. Cụ thể, tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi (đang thực hiện) do BHXH chi trả, đồng thời bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng - hưởng để hỗ trợ cho quỹ và nâng cao chất lượng chi trả.

Tầng thứ hai là bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần việc tham gia BHXH cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hóa đóng - hưởng. Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã thành công với cách thức này khi hỗ trợ người khó khăn đóng bảo hiểm y tế. Tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyên lưu thông với khối thị trường. Như vậy, BHXH đa tầng sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân khi đang làm việc và ngay cả khi về hưu thay vì đơn tầng như lâu nay.

Một nội dung quan trọng khác trong đề án là sẽ xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. Hiện, Luật BHXH đang quy định người lao động có thời gian đóng BHXH 20 năm sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên trên thực tế, có những người đã tham gia 10 hoặc 15 năm rồi nhưng không có khả năng tiếp tục tham gia đóng BHXH, và sẽ không được hưởng chế độ lương hưu - là rất thiệt thòi.

Do đó, trong lần cải cách chính sách BHXH lần này, Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán theo lộ trình, trước mắt có thể giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm đủ điều kiện hưởng lương hưu; sau khi áp dụng, sẽ tiếp tục tính toán phương án có thể giảm xuống mốc 10 năm đóng BHXH. Nguyên tắc đóng - hưởng vẫn được duy trì (đóng ít hưởng ít, đóng ngắn hưởng ngắn).

Đề án còn có các nội dung khác được cho sẽ tạo đột phá. Cụ thể là, tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng BHXH một lần; thiết kế lại các tham số BHXH để đảm bảo đạt mục tiêu bền vững tài chính của các Quỹ BHXH thành phần…

Với lộ trình dự kiến bắt đầu cải cách BHXH vào năm 2021, Ban soạn thảo Đề án cho rằng không thể chậm trễ hơn để bắt tay vào thực hiện các đề xuất trên, vì quỹ thời gian cần thiết để kịp thời thể chế hóa và chuẩn bị các điều kiện thiết yếu không còn nhiều.

Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu không phải do lo vỡ quỹ lương hưu

Theo đề xuất tại dự thảo Đề án Cải cách BHXH chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7 đã đưa ra 02 phương án tăng tuổi nghỉ hưu: Phương án 1 - Nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 03 tháng. Phương án 2 - Lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, với lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 04 tháng

Trả lời báo chí về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu có liên quan tới dự báo vỡ quỹ BHXH vào năm 2025 hay không? Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, dự thảo Đề án Cải cách BHXH hiện do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng trình Chính phủ, Trung ương. Về phía BHXH Việt Nam, là cơ quan tổ chức thực hiện, Phó Tổng Giám đốc khẳng định không có chuyện đến năm 2025 sẽ mất cân đối thu - chi quỹ BHXH.

Ông Đào Việt Ánh đánh giá, đây là dự báo được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tính toán và đưa ra trên cơ sở chính sách BHXH của giai đoạn trước, trước khi có Luật BHXH sửa đổi (năm 2014). Hiện nay, với các quy định tại Luật BHXH sửa đổi hướng tới việc mở rộng đối tượng tham gia, thay đổi cách tính các chế độ BHXH,… thì những số liệu dự báo trước đó sẽ hoàn toàn không chính xác. Dự kiến thời gian đảm bảo cân đối thu - chi của quỹ BHXH sẽ kéo dài hơn rất nhiều. BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tính toán và cung cấp thông tin sau. Không có chuyện quỹ BHXH mất cân đối vào năm 2025 như dự báo.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng cho biết thêm, BHXH Việt Nam cũng là một trong số các cơ quan tham gia xây dựng Đề án cải cách BHXH. Liên quan tới đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, trong quá trình xây dựng Đề án, các cơ quan tham gia đều phải cân nhắc trên rất nhiều yếu tố như về kinh tế, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, năng suất lao động, cơ cấu nguồn nhân lực, bình đẳng giới và cả vấn đề cân đối quỹ BHXH, chứ không chỉ xem xét vấn đề này dựa trên yếu tố cân đối quỹ BHXH.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia BHXH để hưởng lương hưu: Đề xuất rút ngắn điều kiện thời gian đóng