Tái cấu trúc tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh và bền vững

Mai Anh| 22/09/2018 10:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018, các chuyên gia đều cho rằng, yêu cầu tái cấu trúc tài chính quốc gia nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Tái cấu trúc tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh và bền vững

Quang cảnh Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018

Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề "Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam" diễn ra ngày 20/9, các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá và phân tích cụ thể về định hướng phát triển nền kinh tế đất nước; đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức; từ đó đưa ra những giải pháp để xây dựng một nền tài chính quốc gia phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, theo kịp các nước đi trước.

Thế nào là phát triển nhanh?

Tham gia thảo luận tại Điễn đàn, ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: "Những nước đi sau như Việt Nam luôn có nhu cầu phát triển nhanh, tăng trưởng nhanh bởi chỉ có phát triển nhanh mới có thể đuổi kịp các nước đi trước".           

Tuy nhiên, theo ông, vấn đề đặt ra là phải hiểu “nhanh” là như thế nào? Theo cách đánh giá của ông, với mức tăng trưởng khoảng 7% có thể xếp vào nhóm tăng trưởng nhanh và dưới mức đó là trung bình, dưới nữa là thấp.

Ông Thắng cũng cho biết, trên thực tế tăng trưởng 1% của nước phát triển có khi còn hơn 10% của nước kém phát triển hơn. “Toàn bộ chính sách của quốc gia muốn tăng trưởng nhanh phụ thuộc vào việc dịch chuyển về đường tiềm năng sản xuất, thậm chí không chỉ phụ thuộc vào nguồn tài nguyên trong nước mà còn cả nguồn huy động được từ bên ngoài”, vị chuyên gia này lý giải.

Theo ông, khi so sánh với các nước xung quanh, cần biết họ tăng trưởng bao nhiêu, mình tăng trưởng bao nhiêu. Như vậy, câu hỏi ông Thắng đặt ra là: “Việt Nam tăng trưởng hơn 6% đã được coi là nhanh chưa?"

Chú trọng phát triển nhanh nhưng bền vững

Nói về câu chuyện tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, 5 năm gần đây, Việt Nam chú trọng phát triển nhanh nhưng bền vững. Việc lựa chọn cách thức phát triển đang cho thấy sự đúng hướng.

"Với mức tăng trưởng kinh tế trên dưới 7% hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì vị trí thuộc nhóm dẫn đầu tăng trưởng kinh tế. Việc đẩy lên 8-9%, thậm chí như năm 1995 tăng trưởng lên tới 9,5% thì cái giá phải trả cho tăng trưởng cao dường như chúng ta đã nhận ra", ông nói.

Theo ông Ánh, tăng trưởng nhanh là hoàn toàn cần thiết. Trong 5 năm tới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội lớn, giúp Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng nhanh là trên 7%.

Tuy nhiên, ông Ánh cho rằng, bên cạnh tăng trưởng nhanh, việc cần với Việt Nam là phải đảm bảo yếu tố bền vững. "Sự tăng trưởng trồi sụt năm cao năm thấp, có năm phải hy sinh nhiều nguồn lực đẩy tăng trưởng lên 5-6,5% thì giá phải trả quá lớn", ông nói.

"Việt Nam chưa gặp phải như Trung Quốc, tăng trưởng quá nóng phải kìm hãm. Đặc biệt gần đây chiến tranh thương mại cho thấy sự bền vững của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của chúng ta trong vấn đề tăng trưởng kinh tế. Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn, bền vững thì không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế", ông Ánh nói thêm.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là xu hướng, mục tiêu và mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là chủ trương, định hướng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Theo đó, hệ thống khung khổ chính sách pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước đã từng bước được đổi mới, hoàn thiện nhằm đạt được các mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn đặt ra cần được quan tâm, chú trọng nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Vẫn còn sự mâu thuẫn đan xen giữa các mục tiêu nhanh, toàn diện và bền vững. Tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn tiềm tăng, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.

Trong khi đó, dư địa tăng thu có xu hướng giảm dần trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ cấu thu nội địa còn dựa nhiều vào các khoản thu có tính bền vững không cao; (Chi NSNN ở mức cao, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn và là các khoản chi khó cắt giảm; Thị trường tài chính phát triển chưa tương xứng tiềm năng).

Trước những khó khăn và thách thức, các chuyên gia cho rằng, yêu cầu tái cấu trúc tài chính quốc gia nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững lại càng trở nên cấp thiết.

Ông Michael Greene, Giám đốc quốc gia của USAID tại Việt Nam  đánh giá,  Việt Nam đã chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ trở thành nước có thu nhập trung bình và là nước có sự phát triển ấn tượng. Bộ Tài chính có nỗ lực to lớn củng cố ngân sách và chi tiêu của Chính phủ Việt Nam. Đây chính là cơ sở cho tái cấu trúc nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

“USAID đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong cải cách thể chế tài chính để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, với mục tiêu chung là thúc đẩy sự tự cường của quốc gia”, ông Michael Greene cam kết.

Còn ông Bruno Angelet- Trưởng phái đoàn đại diện Liên Minh châu Âu tại Việt Nam đã cho rằng, Bộ Tài chính đã có tư duy cởi mở về tương lai tài chính của Việt Nam và những cải cách thời gian qua.

“Liên minh châu Âu coi cải cách tài chính công ở Việt Nam là quan trọng. Là nước có thu nhập trung bình nhưng Việt Nam phải đảm bảo cung cấp dịch vụ tài chính công bằng cách tăng nguồn thu trong nước và quản lý tài chính hiệu quả. Liên minh châu Âu muốn giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, vấn đề về thuế và quản lý tài chính trong chuyển đổi nền kinh tế xanh”, ông Bruno Angelet nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cấu trúc tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh và bền vững