Ngành mía đường gặp nhiều khó khăn: Nguyên nhân vì đâu?

Lan Trần| 31/10/2019 06:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi...

Báo cáo đưa ra tại Hội nghị chống buôn lậu mặt hàng đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam do Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức cho thấy tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ.

Ngành mía đường gặp nhiều khó khăn: Nguyên nhân vì đâu?

Theo báo cáo, đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước,… Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái Lan trên các địa bàn trọng điểm nêu trên diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện bắt giữ, các đối tượng chống trả quyết liệt, vứt hàng bỏ chạy hoặc cho người giám sát cơ quan chức năng hoặc sử dụng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu nhằm đối phó với các lực lượng chức năng. Vì vậy, việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm hết sức khó khăn.

Cơ quan chức năng cho biết, một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là: thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói, sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ; tham gia đấu giá đường (đưa giá rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được) từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác; đưa bao bì in trong nước, đem sang bao ở nước ngoài (thường là Campuchia) đóng hàng đường vào đó, như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho rồi thì rất khó chứng minh có phải đường nhập lậu hay không,...

Theo số liệu của các lực lượng chức năng, từ năm 2018 đến hết tháng 9 ăm 2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 876 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường trị giá trên 12 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là đường nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, đường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống buôn lậu đường cát nhưng theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389, công tác này vẫn còn có những khó khăn. Nguyên nhân là do đường biên giới dài, rộng, nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở; nhiều kho hàng vẫn còn tồn tại trong khu vực biên giới. Các đối tượng ngày càng tinh vi, hợp thức đường lậu bằng hóa đơn chứng từ, hồ sơ bán đấu giá tài sản của các lực lượng chức năng. Ngoài ra, khi đường vào trong nội địa, các lực lượng thay đổi bao bì nhãn mác của Việt Nam để đối phó với các lực lượng chức năng, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

Cùng với những lý do trên là việc cho phép cơ sở phối trộn, đóng gói, sang chiết đường mua nguồn từ các nhà máy sản xuất khác để đóng thành sản phẩm đăng ký tên cơ sở mình, trong khi các cơ sở này không trực tiếp sản xuất đường, mà chỉ mua nguyên liệu thành phẩm về phối trộn, đóng gói, sang chiết, dẫn đến khó khăn trong quản lý của các lực lượng chức năng; Các quy định của pháp luật liên quan còn thiếu, sơ hở, bất cập (ghi nhãn hàng hóa đối với hàng lậu bị tịch thu bán đấu giá, giám định mặt hàng đường cát, mức khen thưởng thấp...)…

Theo ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng thường trực, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, để khắc phục tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tăng cường lực lượng nắm chắc tình hình phía bên kia biên giới, phương thức, quy luật hoạt động tập kết, vận chuyển đường kính của các chủ đầu nậu; tập trung bố trí lực lượng, phương tiện thường trực chốt chặn 24/24h tại các đường mòn, bến sông trên biên giới mà các đối tượng thường vận chuyển hàng lậu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương và gắn trách nhiệm của người chỉ huy, tổ công tác vào từng địa bàn cụ thể trong công tác đấu tranh chống buôn lậu nói chung và đường cát nói riêng.

Trong bối cảnh Hiệp định ATIGA đang đến gần, các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cho rằng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các công ty, nhà máy sản xuất và người nông dân cần đưa vào canh tác các loại giống có sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao, chuyên canh.

Bên cạnh đó, không ngừng đầu tư nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu chính đáng của người tiêu dùng; vừa cạnh tranh với ngoại nhập.

Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay, nước ta có 40 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất đường. Trong vụ sản xuất 2017-2018, cả nước có 37 nhà máy đường hoạt động, sản lượng đường sản xuất được là 1.476.500 tấn đường; niên vụ 2018-2019 các nhà máy đường sản xuất được 1.173.933 tấn đường.

Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30-60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư mỗi 1.000 m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3-4 triệu khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành mía đường gặp nhiều khó khăn: Nguyên nhân vì đâu?