Nâng cao hiệu quả trong quản lý nguồn vốn ODA

Trần Lan| 25/10/2016 17:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 25/10, tại Hà Nội, Bộ Tài Chính vừa họp báo cho biết những nội dung mới về quản lý tài chính các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong Thông tư 111/2016/TT-BTC.

Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005-2015) tổng số vốn vay ODA, vay ưu đãi ký kết khoảng 45 tỷ USD. Trong đó nguồn ODA dành cho Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực như hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế và xã hội; phát triển y tế, giáo dục vào đào tạo…

Tuy nhiên nguồn vốn ODA thực chất là nợ quốc gia và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, nguồn vốn ODA cần được sử dụng một cách chiến lược hơn và cẩn trọng hơn để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế và huy động nguồn vốn tư nhân bổ sung cho các nguồn công.

Nâng cao hiệu quả trong quản lý nguồn vốn ODA

Bộ Tài Chính họp báo cho biết những nội dung mới trong Thông tư 111/2016/TT-BTC

Để quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài của các nhà tài trợ, Bộ Tài Chính đã ban hành thông tư số 218/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số Bộ , ban, ngành địa phương đã phản hồi một số khó khăn vướng mắc với Thông tư 218. Đó là từ năm 2015, các dự án không được phép giải ngân vượt kế hoạch; Vốn được giao quá thấp…; Quy trình hạch toán ngân sách nhà nước chưa rõ. Thông tư chưa quy định về việc quyết toán kết thúc dự án vốn sự nghiệp nên dự án hoàn tất mà không có cơ sở quyết toán….

Xuất phát từ những vường mắc trong Thông tư 218 và yêu cầu về quản lý trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đã quy định một số nội dung trong Thông tư 111/2016/TT-BTC “Quy định về quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vón hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài".

Trong Thông tư 111/2016, Bộ Tài Chính tập trung vào một số nội dung như hướng dẫn rõ nội dung và quy trình xác định cơ chế tài chính ngay từ khâu đề xuất chương trình, dự án; dẫn chiếu đến các quy định có tại Nghị định số 16 và làm rõ thêm yêu cầu trình bày tại báo cáo của đơn vị đề xuất.

Thông tư mới bỏ quy định của TT 128 về việc được giải ngân vượt kế hoạch; cơ sở kiểm soát chi là kế hoạch được giao hoặc kế hoạch vốn bổ sung do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đại diện của Bộ Tài chính cho biết, về quy trình kiểm soát chi đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi áp dụng quy trình chung về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp, thoanh toán chi giải phóng mặt bằng. Thông tư 111/2016 bổ sung hướng dẫn một số nội dung đặc thù đối với ODA như hồ sơ kiểm soát chi. Về nội dung kiểm soát chi, bổ sung yêu cầu kiểm soát chi sau đối với hình thức tín dụng thư có hoặc không có thư cam kết; cho phép kiểm soát chi sau từ tài khoản cấp 2 đối với các khoản chi cụ thể trong phạm vi dự toán đã được duyệt.

Thông tư 111/2016 cũng nêu về quy trình hạch toán ngân sách nhà nước mới. Theo đó, kho bạc nhà nước (KBNN) TW và KBNN tại tỉnh, thành phố thực hiện hạch toán đối với nguồn vốn do KBNN kiểm soát chi; thực hiện ngày từ gốc trên cơ sở hồ sơ chứng từ giải ngân do Chủ dự án nộp.

Bộ Tài chính hạch toán đối với nguồn vốn do bộ này ủy quyền cho cơ quan vay lại kiểm soát chi.

Thông tư quy định về nguyên tắc hạch toán và quy trình hạch toán giữa chủ dự án, KBNN và cơ quan tài chính cấp 1. Ngoài ra, Thông tư 111/2016 còn bổ sung quy định về quyết toán các dự án hành chính sự nghiệp đồng thời giải quyết các vướng mắc về tỷ giá hạch toán, lãi tiền gửi ngân hàng…

“Việc quy định rõ ràng về quy trình xác định cơ chế tài chính, cơ chế giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, quy trình hạch toán ngân sách mới sẽ tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc tăng cường công tác quản lý tài chính…đối với các chương trình dự án ODA, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài, đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn tới”, ông Hoàng Hải khẳng định.

Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Theo đó, mức độ ưu đãi của các khoản vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguốn vốn vay hỗn hợp.

Theo dự kiến, đến tháng 7/2017, có thể Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất từ 2-3,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả trong quản lý nguồn vốn ODA