“Mong muốn giá điện và chất lượng sản phẩm hợp lý”

Lan Trần| 21/03/2019 20:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, người dân hay doanh nghiệp mong muốn không phải là giá điện thấp mà là giá hợp lý và chất lượng sản phẩm hợp lý.

Thông tin trên đã được chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ tại tọa đàm “Điều chỉnh giá điện- Nhìn từ nhiều phía” diễn ra chiều 21/3. Trước đó, theo Quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh.

“Mong muốn giá điện và chất lượng sản phẩm hợp lý”

Giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết điều chỉnh giá điện lần này, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng các quy định tại Quyết định 24. Theo đó trên cơ sở xem xét phương án giá điện năm 2016 theo quy định tại Quyết định 24 của EVN xây dựng, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành thẩm định các phương án giá điện. Các thông số được thẩm định dựa trên thông số đầu vào, cụ thể là cơ cấu nguồn thụ động của năm 2019; các thông số đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, thực tế chi phí mua điện của các đơn vị cộng với chi phí chung của EVN trong các khâu truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành.

“Trên cơ sở xem xét tất cả các phương án này, chúng tôi có tính toán, phân bổ thêm các khoản nợ còn treo trong các đợt trước để tính toán phương án giá điện. Các phương án giá điện này chúng tôi phối hợp với Tổng cục Thống kê để tính toán, đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Ví dụ như chỉ tiêu GDP, các ảnh hưởng đến CPI hay chỉ số giá sản xuất (PPI)”, ông Anh Tuấn nói.

Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cũng khẳng định việc điều chỉnh giá điện lần này cũng xem xét, đảm bảo hỗ trợ giá điện cho người nghèo, hộ chính sách cũng như khách hàng sử dụng điện mà sử dụng điện thấp dưới 50 kWh hoặc dưới 100 kWh. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ và sau khi có ý kiến của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 28, ban hành biểu giá bán điện cho từng đối tượng khách hàng.

Bình luận về việc tăng giá điện, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực rằng  lý do chính của việc tăng giá điện là tiến dần đến cơ chế thị trường. Nghĩa là giá đầu vào trước đây Nhà nước còn có yếu tố bảo trợ thì bây giờ Chính phủ yêu cầu không bảo trợ giá đầu vào như giá than, giá khí. Đây là hai cấu phần cực kỳ quan trọng trong cấu phần sản xuất điện. Lý do thứ hai là  trong 3, 4 năm vừa qua có những khoản nợ đọng hay những khoản tồn đọng như, bây giờ cần phải phân bổ dần dần.

Lý do thứ ba là thời điểm, TS Cấn Văn Lực cho rằng thời điểm năm nay ở mức tương đối phù hợp do năm 2019 giá cả trên thế giới, giá xăng dầu, giá than,.. về cơ bản gần như không tăng, tạo mặt bằng không quá lớn về áp lực lạm phát với Việt Nam. Thời điểm trong quý I đầu năm là thời điểm ngành điện có cơ sở để hạch toán kế hoạch kinh doanh cho cả năm. Đối với doanh nghiệp cũng như vậy. Chính vì tăng giá điện vào quý I nên Chính phủ và các bộ, ban, ngành sẽ chủ động hơn để phối hợp chính sách giữa chính sách giá cả với điều chỉnh giá cả của mặt hàng khác để đảm bảo tác động không quá lớn đối với kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chỉ số lạm phát mà Quốc hội đã giao dưới 4% năm nay cũng như tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ mong muốn mức độ là 6,8%.

“Tuy nhiên việc điều chỉnh giá các mặt hàng khác trong năm nay cần phải cân nhắc để đảm bảo không tăng nhiều trong một năm, làm giảm ổn định kinh tế vĩ mô của chúng ta”, TS Cấn Văn Lực lưu ý.

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, cái người dân hay doanh nghiệp mong muốn không phải là giá điện thấp mà là giá hợp lý và chất lượng sản phẩm hợp lý. Dù ngành điện đã có nhiều cải tiến trong minh bạch hóa thông tin, tuy nhiên nhiều người dân mong muốn việc minh bạch, thông tin để dễ hiểu hơn, rất mong ngành điện sẽ chuẩn hóa cung cấp thông tin cho người dân, cho doanh nghiệp dễ hiểu để có tính đồng thuận cao hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bạch Thăng Long- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty may 10 cho hay, cả người dân và doanh nghiệp, không ai mong muốn tăng giá điện vì sẽ tạo áp lực cho sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện lần này không tạo bất ngờ cho doanh nghiệp bởi trong thời gian qua, áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng, khả năng cung ứng điện gặp nhiều khó khăn đã được nêu rõ. Các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch hoạt động cũng đã tính đến việc giá điện tăng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mong muốn giá điện và chất lượng sản phẩm hợp lý”