Logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản

Lan Trần| 24/11/2019 06:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo đánh giá của World Bank, logistics là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản do đó Việt Nam phải tìm giảm chi phí ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Nông sản Việt Nam đã đi đến 185 nước trên thế giới

Ngành nông nghiệp tạo việc làm cho khoảng 70% dân số; đóng góp khoảng 15% GDP và 30% giá trị xuất nhập khẩu. Trong năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu của nông, lâm, thủy sản đạt 789.000 tỷ đồng, tăng 3,86% so với năm 2017.

Đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế chung của cả nước nhưng dịch vụ logictics ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn phát triển chưa tương xứng. Phải kể đến những yếu tố như hệ thống kho bãi, sơ chế nông sản còn thiếu nên chủ yếu là hàng xuất thô; doanh nghiệp trong ngành logictics còn hạn chế về kinh nghiệm, đặc tính về nông sản để xuất khẩu…

Logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản

Ảnh minh họa

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đến nay nông sản Việt Nam đã đi đến 185 nước trên thế giới với giá trị 42,5 tỷ USD năm 2018. Nhưng một thực tế là chúng ta đi chợ thế giới nhưng đi bằng sản phẩm thô, nặng (trung bình xuất khẩu 40 đến 50 triệu tấn hàng/năm) và ngắn vì chủ yếu tập trung vào thị trường liền kề như Trung Quốc. Ngắn ở đây là do vận chuyển hàng nặng nên không đi dài được.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chính logistics là công cụ, biện pháp quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, tăng giá trị đóng góp cho kinh tế thế giới. Nhiệm vụ của logistics là phải làm cho sản phẩm nông sản của Việt Nam đi dài hơn đến nhiều thị trường ở xa về địa lý, đi sâu hơn về giá trị kinh tế. Mục tiêu của nông sản Việt Nam là sẽ đi sâu vào chuỗi giá trị và hợp lý hơn.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng lưu ý đây là chuỗi ngành kinh tế tổng hợp nên các ngành, kể cả nông dân, lái xe phải bắt tay vào cùng làm...; Là sự quan tâm phối hợp, không một người nào có thể giải quyết được mà phải có 3 trục: Chính phủ, Hiệp hội ngành hàng và toàn dân. Người nông dân phải đặt mình vào tâm thế của người dân ở đất nước hội nhập.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong những năm tới, Việt Nam cần đầu tư hạ tầng cho logictics nông sản như chuỗi kho lạnh (kho lạnh, xe vận chuyển lạnh), cải thiện kết nối giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt và phát triển đường hàng không, lập các trung tâm chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm để rút ngắn thời gian của các khâu này như hiện tại.

Yếu tố quan trọng quyết định sức cạnh tranh

Một thông tin được TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra tại diễn đàn là hiện chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10-15%).

Một số vấn đề đặt về logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại Việt Nam cũng đã được các chuyên gia chỉ ra như việc kết nối hạ tầng logistics tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế. Chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu. Dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn. Kênh phân phối nông sản qua hệ thống chợ đầu mối và chợ dân sinh chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics phục vụ thương mại biên giới hạn chế, chưa tạo giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản Việt Nam...

Đánh giá logistics là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản, nhưng ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam tham gia thị trường logistics chậm hơn so với nhiều nước do đó phải triển khai nhanh đơn giản hoá thủ tục thông quan hàng hoá; Xây dựng các trung tâm mang tính cạnh tranh cao hơn; Tăng cường sự cộng tác với khu vực tư nhân nhiều hơn...

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành dịch vụ logistics phát triển. Như năm 2019 dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 530 tỷ USD, trong đó riêng hàng hoá nông sản đạt kim ngạch khoảng 41 tỷ USD... Con số đó cho thấy tiềm năng lớn để ngành dịch vụ logistics phát triển. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm chi phí logistics giảm xuống khoảng 16% tỷ trọng GDP (hiện nay chi phí đang cao hơn 20%). Đóng góp cho GDP là 8 đến 10% GDP (hiện khoảng 4 đến 5%)...

Để từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách về  logistics, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quan trọng. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của các Bộ, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc hoàn thiện chính sách; triển khai các giải pháp phát triển, cải thiện chất lượng, nâng cao tính hiệu quả và khả năng đáp ứng của các dịch vụ logistics theo yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại và nền kinh tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển ngành logictics Việt Nam phát triển bền vững ngoài việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho hoạt động logictics còn cần giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu, nhất là những diễn biến kinh tế - chính trị mới gần đây và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; chỉ ra những nguyên nhân, dự báo chiều hướng phát triển, phân tích tác động tới khu vực cũng như nước ta, từ đó đề xuất với Chính phủ những chủ trương, quyết sách thích hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức mới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản