Khách quan đánh giá, chia sẻ những khó khăn của ngành Dầu khí

Hà Lê| 31/05/2019 17:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bối cảnh thị trường dầu khí thế giới có nhiều biến động thì những khó khăn, thách thức mà ngành Dầu khí đã và đang đối diện cần được nhìn nhận, chia sẻ một cách khách quan, công tâm, đúng bản chất vấn đề.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nguyên là đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

Dầu khí là một ngành mạo hiểm, rủi ro muôn vàn

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nói một cách công bằng, trong giai đoạn đất nước đang gặp khó khăn, ngành Dầu khí ra đời, phát triển đã đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, những lợi tức của ngành Dầu khí mang lại cho ngân sách đã giúp cho đất nước những năm 80, 90 của thế kỷ trước, đặc biệt là giai đoạn 2006 - 2015, vượt qua rất nhiều các cuộc khủng hoảng.

Khách quan đánh giá, chia sẻ những khó khăn của ngành Dầu khí

Trước đây, không mấy ai hiểu dầu khí là gì, người trong nước cơ bản mới chỉ biết đến dầu hỏa. Người thân của tôi từng được chọn ra nước ngoài để học về dầu khí từ những khóa đầu tiên, nhưng do không hiểu rõ về dầu khí nên xin ở lại học trong nước. Ngành Dầu khí đi lên từ con số 0, với bao cố gắng đã có được “cơ ngơi” đồ sộ như ngày nay. Không chỉ đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước, ngành Dầu khí còn giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp cho an sinh xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cũng phải thừa nhận rằng, Dầu khí là một ngành mạo hiểm, rủi ro muôn vàn. Tôi nhớ câu chuyện được nghe từ thập niên 90 của thế kỷ trước, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi quyết định khai thác mỏ Đại Hùng, đứng trước khó khăn vì các đối tác rút khỏi dự án, kêu gọi đầu tư nước ngoài không được, ông đã kiên quyết cho rằng, nếu nước ngoài không làm được thì mình vay vốn để tự làm. Rất may sau đó với quyết tâm của ngành Dầu khí, việc khai thác mỏ Đại Hùng đã mang lại lợi ích lớn cho đất nước.

Tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ việc đánh giá một cách chân thực, công bằng về những rủi ro thực tế của ngành Dầu khí. Chúng ta phải biết chấp nhận những rủi ro ấy. Bản thân những người đi làm dầu khí luôn sẵn sàng đối đầu với rủi ro, thậm chí đánh đổi cả tính mạng. Việc khoan không thấy có dầu là điều bình thường, chi hàng chục triệu USD vào một mũi khoan, tưởng chắc chắn thấy dầu nhưng lại không có, đó là một điều hết sức bình thường trên thế giới.

Tôi cho rằng, nhân dân và cử tri cả nước sẵn sàng chấp nhận thiệt hại kinh tế do rủi ro, mạo hiểm trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí bởi tính đặc thù của ngành chứ không chấp nhận những tổn thất do tiêu cực của cá nhân, hay nhóm lợi ích nào gây ra.

Những thách thức khách quan

Ông Đặng Xuân Phương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội: Trong 30 năm qua, ngành Dầu khí luôn là một trong những trụ cột lớn về kinh tế biển của đất nước, bên cạnh các ngành truyền thống như thủy sản, hàng hải, gần đây là du lịch biển.

Khách quan đánh giá, chia sẻ những khó khăn của ngành Dầu khí

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành Dầu khí gặp những thách thức to lớn trong sản xuất kinh doanh, sản lượng khai thác có nguy cơ sụt giảm và tỉ trọng đóng góp cho ngân sách Nhà nước thời gian gần đây cũng giảm.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, những khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Dầu khí trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới, trong bối cảnh chung của thế giới, là hết sức khách quan. Sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là việc Mỹ ứng dụng công nghệ để sản xuất dầu đá phiến làm giảm chi phí sản xuất dầu khí rất nhiều... Do đó, sự ảnh hưởng của tình hình thế giới đến hoạt động ngành Dầu khí nước ta cũng là bình thường.

Cần ban hành Luật Dầu khí đầy đủ

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Ngành Dầu khí Việt Nam hiện đã phát triển khá hoàn chỉnh, toàn diện và thực hiện đầu tư kinh doanh theo chuỗi giá trị, bao gồm thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn. Trong khi đó, Luật Dầu khí năm 1993 tuy được bổ sung, sửa đổi 2 lần nhưng chỉ quy định ở khâu thượng nguồn, tức là chỉ giới hạn hoạt động dầu khí ở tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, còn các khâu khác là hầu như không đề cập trong luật.

Khách quan đánh giá, chia sẻ những khó khăn của ngành Dầu khí

Malaysia có các đạo luật phát triển dầu khí quy định cả thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn, đồng thời có luật cung ứng khí riêng. Tại Nga, ngoài Luật Dầu khí cũng có Luật Cung ứng khí. Khí phát triển thành ngành riêng và được điều chỉnh bởi một luật riêng.

Trong bối cảnh mới hiện nay ở trong nước và quốc tế, tái cơ cấu, đặc biệt là vấn đề tiềm năng, trữ lượng dầu khí, điều kiện khai thác… sẽ tác động đến khung khổ pháp lý. Tôi cho rằng, cần sớm xúc tiến đánh giá việc thực hiện Luật Dầu khí và ban hành một luật đầy đủ về thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của ngành Dầu khí.

Ngành Dầu khí rất cần cơ chế đặc thù

Ông Trần Văn - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Chúng ta phải xác định dầu khí là một ngành kinh tế đặc biệt, ngành công nghiệp ưu tiên, do đây là ngành có tính chất thiết yếu quan trọng đối với quốc gia, gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với an ninh quốc phòng, có tác động và ảnh hưởng lan tỏa đối với xu hướng phát triển của toàn ngành công nghiệp và cả nền kinh tế như: Thâm dụng công nghệ, giá trị gia tăng cao; làm nền tảng cho sự phát triển của khoa học công nghệ; có khả năng đi tắt, đón đầu về công nghệ, sử dụng công nghệ cao…

Khách quan đánh giá, chia sẻ những khó khăn của ngành Dầu khí

Vì vậy, ngành Dầu khí rất cần có các chính sách, cơ chế đặc thù riêng, phù hợp với yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế làm nền tảng để đất nước đi vào giai đoạn phát triển cao hơn, trong đó có việc bảo đảm nguồn vốn để ngành Dầu khí thực hiện các mục tiêu chiến lược, để không chỉ vì những khó khăn, mất cân đối nhất thời của ngân sách Nhà nước mà cắt giảm nguồn vốn đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Tạo nguồn lực cho Petrovietnam phát triển bền vững

TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Đặc thù của ngành công nghiệp dầu khí là sự liên kết chuỗi giá trị, trong đó lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là khâu đầu và cốt lõi. Sự phát triển ổn định của các khâu như dịch vụ, điện, lọc hóa dầu… cũng như hiệu quả của chuỗi giá trị dầu khí phụ thuộc lớn vào sự tăng trưởng bền vững của khâu thăm dò, khai thác. Kết quả thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu, khí đạt thấp sẽ làm giảm hiệu quả chuỗi giá trị dầu khí cũng như đe dọa sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí.

Khách quan đánh giá, chia sẻ những khó khăn của ngành Dầu khí

Nói về nguyên nhân, theo tôi, đây là hệ quả của việc chúng ta chưa quan tâm thích đáng đến việc tìm kiếm, thăm dò nên gia tăng trữ lượng đạt kết quả kém.

Thứ nữa, hoạt động dầu khí hiện tập trung ở vùng biển nông dưới 100m. Để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng dầu khí lâu dài cần phải tiến ra vùng biển xa bờ, nước sâu đến trên 1.000m nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Hơn nữa, đây là vùng nhiều rủi ro về an ninh, chính trị và chính những rủi ro này đôi khi làm nản lòng các nhà đầu tư. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có sự đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này dẫn tới kết quả tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng thấp.

Đây là một vấn đề mà Chính phủ, ngành Dầu khí cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, nhất là lợi ích và chi phí, với tầm nhìn xa và bền vững, để có những quyết sách đúng và trúng hơn. Ngoài ra, khâu phân tích, đánh giá, dự báo tiền khả thi là rất quan trọng, để chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro, tổn thất.

Trong thời gian tới, theo tôi, trước hết, các bộ, ngành liên quan phải “xắn tay” cùng Petrovietnam để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách mà ngành Dầu khí đang gặp phải. Và điều quan trọng, Chính phủ cần xem xét cho phép dùng phần thặng dư từ cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Petrovietnam để bù đắp vào quỹ đầu tư phát triển, hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án đang triển khai dở dang có khả năng đem lại hiệu quả sau khi hoàn thành, trong đó có lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò; có chính sách và cơ chế tạo điều kiện để các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật Việt Nam được tham gia trực tiếp vào các dự án dầu khí, hạn chế hiện tượng “chảy máu ngoại tệ”…

Xác suất thành công của công tác tìm kiếm, thăm dò phụ thuộc vào mức độ phức tạp về địa chất và tiềm năng dầu khí của một bể trầm tích, một quốc gia. Nhiều công ty nước ngoài mất hàng chục triệu, trăm triệu USD, nhưng phải chấp nhận thất bại. Chi phí tìm kiếm, thăm dò không thành công cũng cần phải được xem là chi phí rủi ro. Dĩ nhiên, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp dầu khí cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể để đưa ra một mức độ rủi ro phù hợp.

Với Petrovietnam, hoạt động khai thác dầu, khí cần điều chỉnh theo hướng giảm hoặc dừng khai thác tại các mỏ dầu khi có giá thành sản xuất cao hơn mức chi phí khai thác dự kiến; tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động; đồng thời rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư đối với các dự án dầu khí cho phù hợp hơn.

Tôi cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí, nhưng chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế là vùng hoạt động, trữ lượng và hiệu quả trong bối cảnh giá dầu như hiện nay không được như ngày trước. Do đó, về mặt chiến lược, song song với việc tiếp tục củng cố lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò thì cần phải phát triển các khâu khác để bảo đảm tính bền vững của ngành Dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực chế biến sâu như phát triển hóa dầu, phát triển hạ tầng sản xuất kinh doanh khí. Đây là những lĩnh vực trong tương lai sẽ giữ vai trò bù đắp vào sự suy giảm của lĩnh vực cốt lõi. Đồng thời, Petrovietnam nên chú trọng, tiên phong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Cuối cùng, Petrovietnam cần áp dụng các nguyên tắc, thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại (theo chuẩn mực OECD, phù hợp bối cảnh Việt Nam), trong đó, quan tâm, đầu tư vào yếu tố con người và công nghệ mang tính quyết định và bền vững.

Trong gần 45 năm phát triển, PVN đã trở thành đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế đất nước, tạo môi trường cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Hằng năm, PVN nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9 - 11% tổng thu ngân sách chung và chiếm 16,5 - 17% tổng thu ngân sách Trung ương; đóng góp cho GDP cả nước trung bình 10 - 13%/năm.
 

Các doanh nghiệp thành viên của PVN cũng là lực lượng chủ lực thực hiện các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khách quan đánh giá, chia sẻ những khó khăn của ngành Dầu khí