Hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam- Bài 1: Những tháng ngày gian khó

Dương Ngọc Ánh| 24/10/2019 22:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để có được kết quả 89% dân số tham gia BHYT như hiện nay, không thể không nhắc đến những người đã đặt nền móng đầu tiên, góp phần xây dựng chính sách BHYT ở nước ta. Báo Công lý giới thiệu loạt bài viết về ký ức của những người mở đường.

Nhà văn Lỗ Tấn đã từng tổng kết: Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Đường là do người ta đi mãi mà thành… Tôi rất thích câu nói này, nhưng cũng rất băn khoăn: Vậy người đầu tiên đặt dấu chân khởi tạo con đường chắc phải rất kiên gan, bền chí, gạt những cỏ lác, lau sậy, đạp lên những đá nhọn, gai sắc… đặt những bước chân đầu tiên, mà bước chân đầu tiên ấy phải đậm, phải rõ, phải chắc chắn, để những người đi sau dám tin tưởng, tiếp tục đặt chân mình lên đó, để lâu dần mới thành hình một con đường… Sẽ chẳng quá lời nếu như tôi dùng chữ của Lỗ Tấn để nói về những người cán bộ làm chính sách BHYT tại thành phố Hải Phòng cách đây 30 năm, những người đã đặt nền móng đầu tiên, góp phần xây dựng chính sách BHYT ở Việt Nam…

Một buổi tối mùa hè năm 1991, nằm trong nhà, nghe tiếng mưa sầm sập, anh Đinh Trọng Thắng không tài nào ngủ nổi. Trằn trọc mãi, anh Thắng thức dậy bật đèn, với tay lấy tập tài liệu nằm xem lại. Tập tài liệu về BHYT tự nguyện cho nông dân, anh đã thuộc từng chữ qua biết bao ngày đi tuyên truyền, nhưng mỗi lần đi nói chuyện với bà con, anh lại mang ra xem lại. Ngày mai, có buổi nói chuyện với cán bộ chủ chốt của huyện Tiên Lãng. Lịch đã xếp rồi, mưa bão cũng không thể dừng lại. Vừa đọc tài liệu, anh Thắng vừa lắng nghe tiếng mưa bên ngoài, lòng thầm mong cơn bão mau tan để ngày mai mình và các đồng nghiệp đi xuống cơ sở đỡ được đôi phần vất vả. Mưa to quá, mình đi khổ đã đành một lẽ, nhưng khổ nhất là xuống đến nơi không có người đến nghe mà triển khai công việc. Việc của mình, mình cần, mưa bão cũng phải đi. Nghĩ lan man, anh Thắng thiếp ngủ từ lúc nào chẳng biết…

Choàng tỉnh dậy đã là 5 giờ sáng, anh Thắng dắt xe ra khỏi nhà trong ánh mắt nhìn ái ngại của vợ. Trời vẫn mưa, hình như còn mưa to hơn lúc đêm. Mưa xối xả quất ngược vào mặt, vào người nghe ran rát. Nước mưa của thành phố công nghiệp dường như đã hòa tan bao nhiêu khói bụi thải từ các ống khói nhà máy nên mưa chảy vào miệng còn nghe vị đắng chát. Khói, bụi đã được thanh lọc qua mưa mà còn thấy chát thế này, vậy mà người công nhân trong nhà máy hàng ngày tiếp xúc với khói bụi trực tiếp thì độc hại đến nhường nào. Thế mới biết, sớm hoàn thiện hệ thống chính sách chăm sóc sức khỏe cho người dân hơn lúc nào đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. Mà việc đó thì chính anh Thắng và các đồng nghiệp đang làm… Dòng ký ức đưa anh Thắng về những ngày đầu tiên thành lập Bảo hiểm y tế thành phố Hải Phòng…

Hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam- Bài 1: Những tháng ngày gian khó

Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song và các đại biểu dự hội nghị về Đề án thí điểm BHYT tại Đồ Sơn, Hải Phòng ngày 30/6/1989

... Sau khi được Bộ Y tế đồng ý cho phép thành phố Hải Phòng triển khai thí điểm BHYT, Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe (tiền thân của cơ quan BHYT Hải Phòng) được thành lập với nhiệm vụ triển khai thí điểm BHYT cho 04 nhóm đối tượng: Cán bộ viên chức thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp. Công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, nhà máy. Học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân và nông dân các hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp.

Ở thời điểm này, chính sách y tế của nước ta vẫn đang thực hiện bao cấp hoàn toàn, do không có một nguồn quỹ tập trung, ngân sách Nhà nước vừa thoát khỏi khủng hoảng của những năm 80 nên vô cùng khó khăn. Các cơ sở y tế nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu, các bệnh viện hầu như không chủ động được nguồn thuốc và vật tư y tế để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Việc xây dựng hệ thống chính sách y tế với sự đóng góp của nhà nước và nhân dân nhằm tạo ra một nguồn quỹ tập trung manh nha hình thành. Để có cơ sở nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách BHYT ở nước ta, một trong những địa bàn đầu tiên được chọn triển khai chính sách BHYT là thành phố Hải Phòng.

Từ kết quả thực hiện thí điểm BHYT tại thành phố Hải Phòng và một số địa phương khác, Bộ Y tế sẽ tham mưu cho Chính phủ triển khai thực hiện BHYT trong cả nước. Những cán bộ được điều động về Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe Hải Phòng lúc bấy giờ ví như những người đầu tiên khai phá, mở đường xây dựng chính sách BHYT…

Hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam- Bài 1: Những tháng ngày gian khó

Tấm thẻ BHYT mã số 011 của người thứ 11 tham gia BHYT

Là Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe của thành phố gần 01 triệu dân (dân số của thành phố Hải Phòng năm 1991) nhưng tổng số biên chế ban đầu chỉ có 09 người: anh Bùi Thành Chi, Chánh Văn phòng Sở Y tế được bổ nhiệm làm Giám đốc; anh Thắng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc và chị Trần Thị Dung, Dược sỹ Phòng Quản lý Dược, Sở Y tế được điều động và bổ nhiệm làm Trưởng phòng khai thác. Điều kiện cơ sở vật chất cũng cực kỳ khó khăn. Phòng làm việc của Trung tâm nguyên là một phòng chụp X-quang, trong phòng chỉ vỏn vẹn 04 chiếc bàn làm việc, không có bất cứ một trang thiết bị nào khác… Những ngày đầu, hàng tháng anh em Trung tâm vẫn về Sở Y tế lĩnh lương, mọi thiết bị, văn phòng phẩm sử dụng cho công việc hàng ngày đều về Văn phòng Sở… xin. Đến khi bộ máy tổ chức đã cơ bản hoàn thiện thì Sở Tài chính cấp kinh phí trực tiếp chi lương cho cán bộ Trung tâm và các khoản chi bộ máy, trang bị các thiết bị tối thiểu phục vụ công việc.

Cho đến bây giờ, anh Thắng vẫn luôn nhớ và cảm ơn những đồng chí đã nhiệt tình giúp đỡ Trung tâm trong những ngày đầu thành lập và đi vào hoạt động, trong đó phải đặc biệt kể đến đồng chí Uyển, cán bộ quản lý về chính sách đất đai của thành phố đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ về trụ sở làm việc và đồng chí Tược, Giám đốc Sở Tài chính đã quan tâm hỗ trợ để Trung tâm có kinh phí nhỏ nhoi chi tiêu hành chính lúc ban đầu.

Tâm sự với chúng tôi, anh Thắng chia sẻ, anh không bao giờ quên được sự quan tâm, giúp đỡ trong lãnh đạo, chỉ đạo của chị Nguyễn Thị Bảy, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị BHYT thành phố Hải Phòng và chị Hằng, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố trong những ngày đầu triển khai… Rồi kỹ sư hóa sinh Vũ Ngọc Lan (hiện nay đã định cư tại Mỹ) khi ấy đang làm tại Bệnh viện Phụ sản thành phố giúp phiên dịch, biên dịch toàn bộ các tài liệu nước ngoài không lấy tiền mà lúc đó Trung tâm cũng không có nguồn kinh phí để trả thù lao cho chị...

***Ghi theo lời kể của đồng chí Đinh Trọng Thắng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe thành phố Hải Phòng, nguyên Chánh Văn phòng BHYT Việt Nam, nguyên Phó Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam.

Bài 2. Những bài học quý...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam- Bài 1: Những tháng ngày gian khó