Doanh nghiệp của PVN chuyển biến tích cực trong công tác IR

PV| 27/03/2019 22:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quan hệ nhà đầu tư (Investor relation- IR) đã được nhiều doanh nghiệp Việt coi trọng, trong đó có những doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trả lời phỏng vấn trên báo chí mới đây, ông Phạm Nguyễn Vinh, giám đốc phát triển quan hệ và đối ngoại Quỹ Đầu tư Dragon Capital đánh giá một số doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn dầu khí đã có những chuyển biến tích cực trong công tác IR, như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Đạm Phú Mỹ (DPM), Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Cà Mau (DCM), và gần đây có Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW).

Theo ông Vinh, qua theo dõi kết quả “Cuộc bình Chọn DN Niêm yết” trong suốt 11 năm qua, các DN ngành dầu khí hầu như năm nào cũng được vinh danh trong top 10, top 30 và top 50 ở cấu giải thưởng “Báo cáo Thường Niên” và đây là nỗ lực rất đáng khích lệ, cần được ghi nhận.

Trước đó, tại một cuộc tọa đàm hồi đầu tháng Ba, ông Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá, trong năm 2018, nhờ tổ chức hoạt IR thành công, 3 đơn vị của PVN là PVOil, PVPower và Lọc Hóa Dầu Bình Sơn đã cổ phần hóa và bán vốn thành công, mang lại cho Nhà nước 6.500 tỷ đồng, đưa các DN này phát triển hiệu quả và bền vững.

Cũng tại tọa đàm nói trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cho hay tất cả những gì PV Power làm là thực hiện đúng công tác IR do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định và sự minh bạch được đảm bảo xuyên suốt.

Theo ông Phạm Nguyễn Vinh, ngành dầu khí là một ngành đặc thù, luôn có biến động tùy thuộc vào quan hệ cung cầu và tình hình kinh tế chính trị thế giới. Do vậy công tác dự báo về giá dầu là khó khăn và phức tạp, có nhiều cơ sở dự báo khác nhau trên thế giới. Do vậy, trong công tác IR, các DN ngành dầu khí cần mở rộng trao đổi một cách thường xuyên hơn để chia sẻ góc nhìn của chính DN dựa trên các nghiên cứu, thu thập dữ liệu, đánh giá và dự báo để cộng đồng nhà đầu tư có sự hiểu đúng về bản chất các biến động của giá dầu, ảnh hưởng của nó đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động thăm dò khai thác, tình hình mở rộng thị trường, doanh thu lợi nhuận của DN theo từng giai đoạn.

Nếu như trước đó, khái niệm về IR vẫn còn khá mới mẻ và nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của IR, thì hiện tại, các doanh nghiệp đã dành nhiều quan tâm hơn cho hoạt động này, thể hiện ở việc công bố thông tin đầy đủ, một nền tảng quan trọng trong công tác IR.

Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng công bố và minh bạch thông tin của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây, ông Lê Công Điền cho biết, các vi phạm về minh bạch thông tin mà cụ thể là vi phạm về báo cáo và công bố thông tin đã giảm rõ rệt trong tổng số các vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán. Tỷ trọng vi phạm về minh bạch hóa thông tin trong tổng vi phạm giảm từ 86,7% năm 2013 xuống còn 60,7% năm 2016. Theo kết quả khảo sát năm 2018 của Vietstock thực hiện với 686 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có 266 công ty đạt chuẩn công bố thông tin theo các tiêu chí khảo sát đề ra, chiếm 38,78%, tăng vọt so với con số 16,96% của năm 2017.

Ông Lê Công Điền nhấn mạnh, để đáp ứng đòi hỏi của thị trường, công tác IR và công bố thông tin cần phải được lãnh đạo các DN quan tâm đúng mức, đặc biệt là đối với những DN có kế hoạch thoái vốn nhà nước và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp của PVN chuyển biến tích cực trong công tác IR