Đề xuất mới về kinh doanh dịch vụ karaoke

Mạnh Nguyễn| 28/09/2018 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dự thảo mới quy định về điều kiện, trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke và quy trình thông báo kinh doanh dịch vụ karaoke.

Để  tăng cường hiệu quả về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, ngày 06 tháng 11 năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, trong đó có quy định về hoạt động karaoke, vũ trường.

Sau khi Nghị định 103 có hiệu lực thi hành, việc thực hiện quy định về quản lý karaoke, vũ trường  đã đạt được hiệu quả nhất định, khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh; hoạt động cấp phép đối với dịch vụ vũ trường, dịch vụ karaoke thực hiện nghiêm túc, thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp…

Đề xuất mới về kinh doanh dịch vụ karaoke

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, quá trình quản lý dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế của đất nước hiện nay, cũng như chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể là: Các quy định về điều kiện chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý của cơ quan nhà nước. Hoạt động karaoke, vũ trường chưa có khái niệm pháp lý rõ ràng đã tạo nên hiện tượng biến tướng để lách luật như biểu diễn nghệ thuật, hát, nhảy múa tại phòng thu âm, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán bar…

Trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường đã có cải cách nhưng vẫn còn thiếu quy định về việc cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép. Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù được quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở sai phạm, kinh doanh không có giấy phép hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong việc quản lý hoạt động văn hóa này.

Đồng thời do yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước, các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng  được quy định  tại Nghị định 103/2009/NĐ-CP đã được tách ra để điều chỉnh tại các Nghị định riêng biệt như băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội, quảng cáo…

Xuất phát từ những lý do nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc ban hành Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là cần thiết. Sự ra đời của Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được thống nhất thực hiện theo các quy định của pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay.

Đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dự thảo quy định về điều kiện, trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke và quy trình thông báo kinh doanh dịch vụ karaoke. Trong đó đã cắt giảm một số điều kiện và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke so với quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời cắt giảm thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh karaoke, thay thế bằng thủ tục thông báo kinh doanh dịch vụ karaoke và tăng cường quản lý nhà nước bằng phương pháp hậu kiểm.

Đối với kinh doanh dịch vụ vũ trường: Thủ tục cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường đã được hoàn thiện, đảm bảo minh bạch, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất mới về kinh doanh dịch vụ karaoke