Công bố PCI 2017: Doanh nghiệp lo ngại ngày càng khó tiếp cận đất đai

Mạnh Nguyễn| 23/03/2018 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo cáo PCI 2017 chỉ ra rằng có nhiều chỉ số chưa cải thiện trong 13 năm qua đặc biệt là 2 chỉ số tiếp cận đất đai và an ninh trật tự.

DN ngày càng khó tiếp cận đất đai

Đó là một trong bốn xu hướng nổi bật trong môi trường kinh doanh của Việt Nam được phân tích tại báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2017 vừa được công bố.

Bốn xu hướng gồm: chi phí không chính thức giảm, thủ tục hành chính được cải thiện, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất có chiều hướng khó khăn hơn, an ninh trật tự được đảm bảo nhưng vẫn có một bộ phận doanh nghiệp lo ngại.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI – Giám đốc dự án PCI cho biết: Xu hướng đáng lo ngại trong năm nay là ở lĩnh vực tiếp cận đất đai và mức độ ổn định trong sử dụng đất.

Cụ thể doanh nghiệp đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh. Doanh nghiệp cũng cảm thấy mức độ rủi ro bị thu hồi đất ngày càng cao. Tỷ lệ doanh nghiệp có đất và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm nhẹ so với năm 2016 và thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục từng được ghi nhận trong năm 2012 và 2013.

Vấn đề các doanh nghiệp được khảo sát phản ánh không phải là thiếu quỹ đất sạch mà vấn đề sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, doanh nghiệp gặp phải rất nhiều phiền hà trong các thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân hay các thủ tục quy định khác của tỉnh.

Khoảng một phần ba doanh nghiệp đánh giá quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, khiến nhiều lô đất xa cơ sở hạ tầng hiện có hoặc ở các địa điểm thuận tiện, chẳng hạn như lân cận các cơ sở gây ô nhiễm hoặc quá gần các khu dân cư.

1/4 các doanh nghiệp nhận định rằng việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng.

Báo cáo cũng ghi nhận đối với các doanh nghiệp có đất mà muốn trao đổi, chuyển nhượng hay thuê, vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Chỉ có 25% doanh nghiệp tham gia điều tra trả lời rằng họ không gặp khó khăn gì khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc mua, chuyển nhượng hay thuê đất, giảm so với con số 29,7% của năm 2016. Đây là mức thấp kỷ lục ghi nhận được trong lịch sử điều tra PCI.

Báo cáo PCI 2017 cũng cho thấy mức độ ổn định trong quá trình sử dụng đất của các doanh nghiệp đang xấu đi. Tỉnh trung vị chỉ đạt 1,6 điểm trên thang 5 điểm, cho thấy mức độ rủi ro bị chính quyền thu hồi đất đối với doanh nghiệp ngày càng cao. Đây là mức điểm thấp nhất được ghi nhận trong 13 năm điều tra PCI.

Những lo ngại này có tác động rất tiêu cực đến đầu tư vì doanh nghiệp khi phải đối mặt với những rủi ro này sẽ rất dè dặt đầu tư trên khu đất mà họ biết rằng sẽ có thể bị thu hồi, nhóm nghiên cứu PCI nhận định.

Quảng Ninh đứng đầu chỉ số PCI 2017

Công bố PCI 2017: Doanh nghiệp lo ngại ngày càng khó tiếp cận đất đai

PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.

Cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của hơn 10.200 DN tư nhân tại 63 tỉnh, thành và hơn 1.700 DN có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành tại Việt Nam.

Năm nay, vượt qua Đà Nẵng, Quảng Ninh đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạn PCI 2017. Sau 4 năm liền đứng đầu, năm nay Đà Nẵng tụt xuống vị trí thứ hai.

Năm 2017 Quảng Ninh trở thành tỉnh tiên phong trong việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội khi lập trang fanpage DDCI Quảng Ninh trên mạng Facebook. Sáng kiến này giúp tỉnh sớm nắm bắt và giải quyết kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ngay từ cấp cơ sở, trước khi chúng dồn tụ thành bức xúc và lan rộng.

Chính quyền Quảng Ninh cũng ủng hộ mô hình “cà phê doanh nhân” do Hiệp hội DN tỉnh chủ trì, tổ chức định kỳ hằng tháng để đưa việc tiếp xúc, đối thoại thành thực chất, tránh hình thức, phô trương. Mô hình này tiến hành theo chuyên đề với sự phối hợp của các sở, ban ngành của tỉnh để kết nối, hỗ trợ DN, nhất là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Những nỗ lực này đã góp phần đáng kể giúp chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ DN năm nay của Quảng Ninh đạt 8,52 điểm, đứng thứ ba trên cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội.

Trong nhóm rất tốt gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng và Đồng Tháp, thì Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng, lập kỷ lục 10 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 bảng xếp hạng PCI. Năm nay, TP.HCM vẫn giữ vững vị trí số tám, còn Hà Nội đã vươn từ vị trí thứ 14 lên 13. Cả hai thành phố lớn nhất nước đều chỉ nằm ở nhóm có chất lượng điều hành khá. Năm nay, ba vị trí cuối bảng lần lượt thuộc về Kon Tum, Bình Phước, Đắk Nông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố PCI 2017: Doanh nghiệp lo ngại ngày càng khó tiếp cận đất đai