Cần cơ chế xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi

PV| 25/10/2017 09:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tính đến 30/9, tổng nợ thuế cả nước là 73.900 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 27.648 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,4%.

Tại phiên họp tổ tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải thích làm rõ nhiều vấn đề được nêu trong báo cáo của Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) về kết quả tình hình thực hiện NSNN năm 2017, dự toán 2018, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề nợ đọng thuế, một bất cập trong công tác thu ngân sách hiện nay.

Theo Bộ trưởng, tính đến 30/9, tổng nợ thuế cả nước là 73.900 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 27.648 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,4%. Nợ từ tiền phạt vi phạm hành chính và chậm nộp là 18.061 tỷ, chiếm 24,4%. Còn lại là nợ khó có khả năng thu hồi do DN giải thể, mất tích, chủ DN đã chết, mất năng lực hành vi, đang thi hành án hình sự, ... lên tới 28.221 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất là 32,8%.

Đáng chú ý, theo thống kê có tới hơn 600.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang nợ đọng thuế, có những đối tượng đã nợ hơn 10 năm. Mặc dù Luật Quản lý thuế đã có những giải pháp xử lý nhưng vẫn có những bất cập như giải pháp phải có toà tuyên bố phá sản mà thực tế doanh nghiệp chỉ tự đóng cửa, chuyển đổi mà không đăng ký ra toà để phá sản.

Như vậy, theo Bộ trưởng, nợ có khả năng thu hồi chỉ chiếm khoảng 3% thu ngân sách nội địa, mức thấp so với thông lệ quốc tế là 5%. Đây là kết quả những nỗ lực của ngành Tài chính khi hai năm gần đây, công tác chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm với nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, từng cá nhân. Nhờ đó, dù số thu tăng nhưng số nợ đọng giảm. Năm 2015 nợ đọng là 76.450 tỷ đến nay còn 73.900 tỷ đồng, và mục tiêu giao cho Tổng cục thuế là không vượt quá 72.000 tỷ đồng. Dù vậy, một phần số nợ đọng này vẫn tăng tự động do các yếu tố như lãi phạt tính theo ngày.

Để giải quyết vấn đề này, hiện nay Bộ Tài chính đang tổng hợp, rà soát, phân tích theo từng nhóm, từng địa bàn để đề xuất báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phương án xử lý, bởi việc để khoản nợ đọng lại theo dõi cũng không còn có ý nghĩa.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi