Bộ Tài chính: Các chỉ tiêu nợ công được kiểm soát chặt chẽ

Lan Trần| 08/06/2019 09:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Tài chính cho biết các chỉ tiêu nợ được kiểm soát chặt chẽ và nằm trong giới hạn theo các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Chỉ tiêu nợ trong giới hạn

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết năm 2018, đã huy động vốn vay trong nước 250,5 nghìn tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc, đạt 90,8% so với kế hoạch và chiếm 78,6% cơ cấu vay vốn của Chính phủ, trong đó kênh phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo.

Với nguồn vốn vay nước ngoài, trong năm 2018 giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ khoảng 3.010 triệu USD, chiếm 21,4% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ.

Bộ Tài chính: Các chỉ tiêu nợ công được kiểm soát chặt chẽ

Kênh phát hành Trái phiếu Chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong huy động vốn trong nước. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính khẳng định các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2018 đều đạt. Cụ thể, mục tiêu nợ công/GDP là nhỏ hơn hoặc bằng 65%, ước thực hiện ở mức 58,4%; nợ Chính phủ/GDP mục tiêu là dưới 54%, ước thực hiện đạt 50%; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước mục tiêu dưới 25%, ước đạt 15,9%; nợ nước ngoài quốc gia /GDP mục tiêu dưới 50%, ước đạt 46%.

Theo Bộ Tài chính, các chỉ tiêu nợ nói trên đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định chủ yếu do nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua; Điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi NSNN thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến và biến động tỷ giá được kiểm soát tốt đã góp phần giảm quy mô nợ nước ngoài của Chính phủ khi quy ra đồng Việt Nam. Ngoài ra còn do kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh của Chính phủ, không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và khuyến khích người vay trả nợ trước hạn dẫn đến giảm dư nợ bảo lãnh nước ngoài.

Tăng cường quản lý nợ công

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết, mặc dù quy mô danh mục nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức 50,0% GDP (so với mức 52,7% vào năm 2016; 51,7% vào năm 2017), tuy vậy, cùng với ảnh hưởng của việc Việt Nam tốt nghiệp IDA kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.

Cụ thể, tủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2019; 32,7% sẽ đến hạn trong giai đoạn 2019-2021), điều này sẽ tác động đén việc bố trí nguồn trả nợ trong cân đối NSNN.

Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối NSNN và đầu tư công trung hạn.

Rủi ro lãi suất danh mục nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất bình quân nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn duy trì ở mức thấp (2,0%/năm) do trên 96% khoản vay nước ngoài có điều kiện ODA, vay ưu đãi. Yếu tố này góp phần quan trọng giúp duy trì chỉ tiêu trả nợ trên thu NSNN trong ngưỡng an toàn, và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tích cực khi phân tích tính bền vững danh mục nợ của Việt Nam.

Đối với nợ trong nước, lãi suất bình quân gia quyền của danh mục nợ tính đến cuối năm 2018 ở mức 5,8%/năm, giảm đáng kể so với mức 6,6%/năm vào năm 2015. Tuy nhiên, do quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ, trong khi tiềm lực tài chính của các tổ chức tài chính phi ngân hàng còn hạn chế, việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài là tương đối khó khăn. Ngoài ra, việc không phát hành TPCP kỳ hạn ngắn dưới 5 năm cũng dẫn đến đường cong lãi suất chuẩn không đầy đủ, thiếu lãi suất ngắn hạn tham chiếu cho thị trường vốn.

“Mặc dù tỷ lệ vay bằng đồng Việt Nam đã tăng lên (từ 55% vào cuối năm 2015 lên 59,2% dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2018), song danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 4 loại tiền chủ đạo gồm SDR, JPY, USD và EUR, là những đồng tiền có biến động lớn trong thời gian vừa qua.”, Bộ Tài chính thông tin thêm.

Để tăng cường quản lý nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, ông Võ Hữu Hiển Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong điều hành nợ công, phải xác định 4 yếu tố là đảm bảo huy động vốn để phục vụ phát triển; lựa chọn chi phí phù hợp, hạn chế rủi ro;  đảm bảo chỉ tiêu an toàn nợ công và cuối cùng là hướng đến phát triển thị trường vay vốn trong nước và thị trường trái phiếu Chính phủ, hạn chế các khoản vay nước ngoài để không ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia

Bộ Tài chính cũng đã đề ra các giải pháp tăng cường quản lý nợ công như  tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo và chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công tại để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; Tổ chức đối chiếu, rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu vay của các bộ ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng vốn vay công để dự báo tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ sau năm 2020; triển khai các công cụ quản lý nợ chủ động phục vụ việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021-2025 để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng thời tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường TPCP cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và mở rộng  cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu; Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính: Các chỉ tiêu nợ công được kiểm soát chặt chẽ