APEC 2017 và vai trò của Bộ Công thương

Minh Thư| 07/11/2017 22:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Góp sức phát triển tự do hóa thương mại, đầu tư trong các nền kinh tế APEC nhằm sớm thực hiện mục tiêu Bô-go từ năm 1994. Đó là mục tiêu và những nỗ lực rất lớn của Bộ Công thương tại sự kiện kinh tế lớn này. Bô-go – tầm nhìn xuyên suốt.

Sau 23 năm thực hiện mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại, đầu tư, APEC đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cả 3 trụ cột hợp tác chính là: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế, kỹ thuật.

Năm 1994, các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC đã nhóm họp tại Bô-go, Indonesia, thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển, vào năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển. Mục tiêu Bô-go đã trở thành định hướng cho hợp tác APEC đến năm 2020 và đưa APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới.

Giao dịch thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ được ghi nhận đã tăng 6,7 lần, với tổng giá trị khoảng 20 nghìn tỷ USD vào năm 2015; mức thuế quan trung bình đã giảm đáng kể từ 17% vào năm 1989 xuống còn 5,6% vào năm 2014, nhờ việc củng cố quan hệ thương mại, đầu tư, cũng như  sự gia tăng mạnh mẽ của các thỏa thuận thương mại tự do song phương và khu vực (RTAs/FTAs). Trong gần 30 năm, các RTAs/FTAs trong khu vực APEC đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và tính chất (sophistication).

Theo thống kê của Ban Thư ký APEC, tính đến năm 2016, hiện có hơn 150 RTAs/FTAs, trong đó bao gồm ít nhất một thành viên APEC, đã đi vào hiệu lực, bao gồm gần 60 RTAs/FTAs đã được ký kết và thực thi giữa các thành viên APEC với nhau. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều FTAs thế hệ mới trong khu vực tập trung hơn vào các nội dung thương mại và đầu tư thế hệ mới, giải quyết hiệu quả các vấn đề sau biên giới và phi quan thuế. Nhờ tác động tích cực của các RTAs/FTAs, giao dịch thương mại nội khối trong khu vực APEC đã tăng trưởng ở mức 274%, từ 2,3 nghìn tỷ USD lên 6,3 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016.

APEC 2017 và vai trò của Bộ Công thương

Bộ trưởng Bộ Công thương tại Đối thoại về “Xây dựng châu Á - Thái Bình Dương gắn kết và bao trùm” hướng tới APEC 2017 vào tháng 5-2017

Xét về GDP, năm 1989, APEC chiếm 48,9% tổng GDP của thế giới, nhưng con số này đã tăng lên mức 53,9% vào năm 2015. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2016, các nền kinh tế thành viên APEC chiếm một nửa trong 10 nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới.  Tổng nguồn vốn FDI được rót vào 5 nền kinh tế thành viên APEC lớn đã đạt mức 710 tỷ USD, tương đương với 46.7% tổng FDI toàn thế giới trong năm 2016. APEC ngày càng được thế giới coi là đầu tàu kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với nhiều chương trình hợp tác thiết thực, hiệu quả.

APEC cũng đang tiến hành nhiều đối thoại chính sách với các tổ chức khu vực khác như ASEAN, Liên minh Á - Âu và Liên minh các nước Thái Bình Dương v.v. nhằm chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng chất lượng cũng như quy mô hợp tác của bản thân diễn đàn trong thời gian tới. Theo “Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện mục tiêu Bogor” được APEC công bố năm 2016, mức thuế quan trung bình (MFN) trong khu vực đã giảm đáng kể, từ 18.5% năm 2007 xuống 9.5% năm 2015.

Việt Nam với việc thực hiện mục tiêu Bô-go

Riêng với Việt Nam, APEC có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự hội nhập sâu rộng và phát triển của nền kinh tế hơn 90 triệu dân. Hiện nay, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tới từ các các thành viên APEC; 75% tổng lượng giao dịch thương mại hàng hóa và 79% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có nguồn gốc từ các thành viên APEC. Hơn nữa, khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập và tu dưỡng tri thức tại các thành viên APEC, hiện có 13 thành viên APEC là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.

Là một thành viên tích cực trong APEC, kể từ khi gia nhập diễn đàn này, Việt Nam đã và đang hòa vào các nỗ lực chung của APEC nhằm hoàn thành Mục tiêu Bogor. Việt Nam đã và đang kiên định chính sách mở cửa nền kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đàm phán, ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực (FTA/RTA), cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế, cải cách cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, minh bạch v.v. Những nỗ lực này của Việt Nam đã và đang được các nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao.

Việt Nam cũng đã thực hiện các cam kết giảm thuế và gỡ bỏ hàng rào phi thuế theo đúng lộ trình đề ra trong các hiệp định FTA/RTA có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên. Các nỗ lực về tự do hoá và tạo thuận lợi cho kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ cũng đã được ghi nhận, đặc biệt trong các ngành xây dựng, tài chính, giao thông v.v.. Đồng thời, Việt Nam cũng đã tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của WTO, cải thiện quy trình mua sắm chính phủ, đẩy mạnh thực thi Luật Cạnh tranh v.v.

Nhiều đề xuất sáng tạo của nước chủ nhà

Với vai trò chủ nhà năm APEC 2017, Việt Nam tiếp tục xác định việc đẩy nhanh tiến trình hoàn thành mục tiêu Bô-go vào năm 2020 là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC. Việt Nam đã cùng các thành viên thúc đẩy xây dựng các chương trình làm việc từ nay đến 2020 trong các lĩnh vực thuế quan, phi thuế quan, đầu tư, dịch vụ, quy tắc xuất xứ v.v. để giải quyết các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong khu vực. Đây là thông điệp mạnh mẽ khẳng định những nỗ lực kiên định của APEC nhằm hướng tới tự do hoá thương mại và đầu tư, trong bối cảnh xuất hiện một số quan điểm trái chiều, có xu hướng phản đối toàn cầu hoá và quay trở lại xu thế bảo hộ thương mại tại một số nơi trên thế giới.

Ngoài ra, trong năm 2017, Việt Nam cũng đã đề xuất một số sáng kiến về kinh tế, thương mại để trình lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 trong các lĩnh vực quan trọng như: Thương mại điện tử xuyên biên giới và Công nghiệp hỗ trợ, đồng thời cùng các thành viên APEC thúc đẩy sáng kiến trong nhằm cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng, tăng cường tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường kết nối APEC v.v. Những sáng kiến này sẽ góp phần thúc đẩy một cách tích cực luồng giao dịch thương mại và đầu tư trong khu vực, hỗ trợ cho các nỗ lực chung của các thành viên APEC hướng tới hoàn thành mục tiêu Bogor vào năm 2020.

APEC 2017 và vai trò của Bộ Công thương

Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23 

Cùng hiến kế cho viễn cảnh sau 2020

APEC bắt đầu thảo luận về việc định hình viễn cảnh APEC sau năm 2020 (tức là sau khi mục tiêu Bô-go được hoàn thành). Hiện nay vẫn chưa rõ được nội hàm của Viễn cảnh sau 2020. Tuy nhiên, theo như đánh giá của các chuyên gia APEC, định hướng phát triển sau năm 2020 của APEC vẫn cần tập trung vào giải quyết các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong khu vực, bởi vì rất khó có thể định lượng được liệu vào năm 2020 APEC có hoàn thành được mục tiêu “Bo-go” hay không?

Trong bối cảnh hiện nay, khi những hoài nghi về các lợi ích của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại mang lại cho người dân đang trỗi dậy, tạo điều kiện cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại có cơ hội bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, sau năm 2020, APEC vẫn còn nhiều việc phải thực  thi nhằm đảm bảo các thành viên APEC sẽ tiếp tục các cam kết về mở cửa thị trường cho dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực.

Bên cạnh việc xây dựng các chương trình làm việc để giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực, Việt Nam đang cùng các thành viên APEC thúc đẩy một số sáng kiến liên quan đến tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, trong đó có nội dung thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, nhằm đảm bảo các chủ thể và các nhóm khác nhau trong nền kinh tế được hưởng lợi từ tiến trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại...

Bộ Công thương Việt Nam với APEC 2017

Trong chương trình nghị sự, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 (AMM 29) và Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 (AELM 25), sẽ diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 11-11 có vai trò rất quan trọng. Từ nhiều tháng qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tích cực chỉ đạo chuẩn bị chủ động, chu đáo cho những hoạt động này.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, việc chuẩn bị các văn kiện, các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam nói chung và của Bộ Công Thương nói riêng đã được Bộ phối hợp với Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, các Bộ, ngành và các nền kinh tế thành viên APEC để hoàn thiện và bảo vệ, thông qua tại nhiều hội nghị cấp SOM và cấp Ủy ban Thương mại - Đầu tư APEC (CTI), đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Bộ Công thương đã cử hàng chục cán bộ đảm nhận vai trò tình nguyện viên (LO) cho các Bộ trưởng thương mại APEC trong suốt thời gian Tuần lễ Cấp cao. Ngay trước Tuần lễ Cấp cao, với tư cách là Trưởng SOM Việt Nam trong APEC và Đồng Chủ tịch của Hội nghị AMM 29, Bộ Công Thương đã cử các cán bộ phụ trách nội dung vào Đà Nẵng từ rất sớm để tổ chức nhiều cuộc họp tham vấn, vận động các thành viên từ cấp CTI đến cấp SOM ủng hộ cho các sáng kiến của Việt Nam; phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều phiên đàm phán văn kiện quan trọng như: Tuyên bố chung của Hội nghị AMM 29 và AELM 25 cùng nội dung của các sáng kiến, đề xuất chính của Việt Nam.

Do APEC là tập hợp của 21 nền kinh tế thành viên nằm trên 4 lục địa khác nhau, với sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa và tập quán nên mối quan tâm về chính trị, kinh tế và lợi ích cũng khác nhau, dẫn đến quan điểm khác biệt nhau về một số nội dung quan trọng của hội nghị. Vì vậy, trước hội nghị CSOM, nhiều phiên đàm phán đã được tổ chức thâu đêm để kịp hoàn thiện các văn kiện trình lên các Bộ trưởng và các Nhà Lãnh đạo APEC phê duyệt.

Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức “Cuộc thi ảnh APEC 2017” và “Giải thưởng Thịnh vượng số APEC” do Bộ Công thương phối hợp với Google, Quỹ Châu Á và Ban Thư ký Quốc tế APEC đồng tổ chức.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cùng các lãnh đạo Bộ sẽ tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng của các nền kinh tế thành viên APEC chủ chốt và tháp tùng Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước tiến hành hội đàm song phương với nguyên thủ các thành viên APEC nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương cũng như xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong APEC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
APEC 2017 và vai trò của Bộ Công thương