7 nhóm đối tượng Bộ Công Thương sẽ kiểm tra thường xuyên năm 2017

Trần Lan| 15/12/2016 10:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón vô cơ; Thương nhân kinh doanh XNK xăng dầu… là hai trong 7 nhóm đối tượng nằm trong Kế hoạch kiểm tra thường xuyên năm 2017 của Bộ Công Thương.

7 nhóm đối tượng Bộ Công Thương sẽ kiểm tra thường xuyên năm 2017

DN sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm là một trong 7 nhóm đối tượng được Bộ Công Thương kiểm tra thường xuyên năm 2017. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định số 4825/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch kiểm tra thường xuyên năm 2017 của Cục Quản lý thị trường.

Theo đó, 7 nhóm đối tượng và nội dung kiểm tra nằm trong Kế hoạch gồm:

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón vô cơ: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ; việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định và các quy định khác của pháp luật trong kinh doanh phân bón vô cơ.

Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu: Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh; kiểm tra Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; việc duy trì các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối; kiểm tra hợp đồng đại lý, hóa đơn chứng từ hàng hóa; kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh xăng dầu và các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thương nhân kinh doanh khí đầu mối, trạm nạp, trạm cấp: Kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh, việc duy trì các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện trạm nạp, điều kiện trạm cấp; hợp đồng mua bán hàng hoá, hoá đơn, chứng từ; việc thực hiện các quy định về hệ thống phân phối (đối với khí dầu mỏ hoá lỏng) và các quy định của pháp luật trong kinh doanh khí theo Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về kinh doanh khí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa; các quy định về an toàn thực phẩm; nhãn hàng hoá, xuất xứ hàng hoá, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và các quy định khác của pháp luật trong nhập khẩu, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật.

Doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và các quy định khác của pháp luật trong nhập khẩu, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm.

Doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh hàng tiêu dùng; Kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và các quy định khác của pháp luật trong nhập khẩu, kinh doanh hàng tiêu dùng.

Kế hoạch kiểm tra của Bộ Công Thương nhằm nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xăng dầu, khí, phân bón vô cơ, dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi trên thị trường…Việc kiểm tra cũng nhằm phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu việc kiểm tra và xử phạt hành chính phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Việc kiểm tra, kiểm soát không phiền hà, trở ngại cho các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ; đảm bảo hoạt động kinh doanh hơp pháp của các doanh nghiệp được diễn ra bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
7 nhóm đối tượng Bộ Công Thương sẽ kiểm tra thường xuyên năm 2017