VHG: Liên tục bán tài sản, chúng ta có thể kỳ vọng gì?

21/01/2014 10:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

VHG cho biết công ty tiếp tục chuyển nhượng một số tài sản và đã thu được giá trị 45 tỷ đồng trong quý 4/2013. Nhưng liệu chúng ta có thể kỳ vọng gì?

Tính từ ngày 30/12 đến nay, giá cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn (HOSE: VHG) đã tăng khá mạnh từ 6,700 đồng/cp lên đến 8,100 đồng/cp, tương ứng với mức tăng 20.9%. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của VHG trong giai đoạn này đạt hơn 1.8 triệu đơn vị, tăng gấp 3.4 lần so với khối lượng trung bình trong 52 tuần ở mức 549,090 đơn vị.

Biểu đồ: Giao dịch của VHG giai đoạn 01/07/2013- 14/01/2014 (Nguồn: VietstockFinance)

VHG: Liên tục bán tài sản, chúng ta có thể kỳ vọng gì?

Lợi nhuận 9T/2013 tăng mạnh nhờ bán tài sản

Doanh thu thuần của VHG trong 9T/2013 đạt 167.3 tỷ đồng, tăng 25% so với giai đoạn 9T/2012. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp trong giai đoạn này chỉ đạt 6.5%, sụt giảm khá mạnh so với mức 7.8% trong 9T/2012, và lợi nhuận gộp của công ty đạt 10.8 tỷ đồng, tăng nhẹ 3.3% so với cùng kỳ 2012.

Đáng chú ý, trong kỳ VHG có hai khoản doanh thu tăng đột biến là doanh thu tài chính và doanh thu khác. Cụ thể, doanh thu tài chính 9T/2013 của VHG đạt tới 64.5 tỷ đồng; trong khi đó cùng kỳ chỉ là 679 triệu đồng; và doanh thu khác đạt 81 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 314 triệu đồng trong 9T/2012.

Hoạt động tài chính tăng đột biến là khoản lãi chuyển nhượng lại các khoản vốn góp, bao gồm 31.95 tỷ ở CTCP Nhựa Kim Tín và 31.6 tỷ đồng ở CTCP Vật liệu Xây dựng Việt Hàn. Khoản lợi nhuận khác chủ yếu đến từ lợi nhuận do đánh giá lại tài sản vốn góp vào CTCP Nhựa Kim Tín với giá trị đạt 62.8 tỷ đồng.

Việc gia tăng mạnh doanh thu hai khoản mục này đã giúp cho LNST của VHG đạt 75.5 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ công ty lỗ tới gần 22 tỷ đồng.

Nếu loại bỏ hai khoản đột biến nêu trên thì VHG sẽ lỗ 30.9 tỷ đồng trong 9T/2013. Như vậy, có thể thấy tình hình hoạt động của công ty trong thời gian vừa qua vẫn chưa thật sự sáng sủa.

Hào phóng cho nhiều cá nhân khất nợ thanh toán mua cổ phần

VHG đã dùng lượng tiền thặng dư lớn từ hoạt động đầu tư (thu hồi vốn góp ở trên) để hoàn trả các khoản nợ vay. Khoản vay ngắn hạn đã sụt giảm mạnh 43% so với đầu năm 2013, xuống 60.6 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2013. Khoản vay dài hạn 7 tỷ đồng ở đầu năm 2013 cũng đã được công ty thanh toán hết trong kỳ.

Việc đẩy mạnh chi trả các khoản nợ vay sẽ phần nào giúp cho VHG giảm được áp lực chi phí tài chính. Tuy nhiên, đáng chú ý là tiền mặt cuối kỳ của công ty chỉ còn vỏn vẹn 11 tỷ đồng.

Mới đây, VHG đã thông báo dời ngày tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt (tỷ lệ 3%, tương đương 7.5 tỷ đồng) đợt 1/2013 từ 30/12/2013 sang ngày 15/01/2014 do chưa thu xếp kịp nguồn tiền vì một số khoản phải thu chưa về tài khoản.

Đáng chú ý là VHG hiện đang có khoản phải thu khác hơn 143 tỷ đồng. Phần lớn trong khoản phải thu này là tiền mua cổ phần CTCP Nhựa Kim Tín (60.6 tỷ đồng) và CTCP Vật liệu Xây dựng Việt Hàn (50 tỷ đồng) của 8 cá nhân mà VHG đã chuyển nhượng. Như vậy, mặc dù ghi nhận lợi nhuận tài chính nhưng VHG chưa nhận được nhiều tiền mặt từ hoạt động chuyển nhượng vốn này.

Trong văn bản giải trình ngày 15/01/2014, VHG cho biết trong quý 4/2013 đã thu hồi được gần 80 tỷ đồng của hoạt động chuyển nhượng tài sản này.

Bảng 1: Chi tiết khoản Phải thu khác tại ngày 30/9/2013 (Nguồn: BCTC 9T/2013)

VHG: Liên tục bán tài sản, chúng ta có thể kỳ vọng gì?

Triển vọng kinh doanh trong thời gian sắp tới

(1) Tiếp tục chuyển nhượng tài sản trong quý 4/2013

Lợi nhuận kết quả kinh doanh khả quan ở 9T/2013 chủ yếu đến từ doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần và đánh giá lại tài sản đột biến. Theo kế hoạch, VGH sẽ tìm đối tác để chuyển nhượng dự án D’Evelyn Tower tại Quận Hải Châu (Đà Nẵng).

Ngày 15/01/2014, VHG cho biết công ty tiếp tục chuyển nhượng một số tài sản và đã thu được giá trị 45 tỷ đồng trong quý 4/2013.

(2) Các dự án đầu tư chậm so với dự kiến

Theo kế hoạch năm 2013, VHG sẽ tìm đối tác để chuyển nhượng dự án D’Evelyn Tower tại Quận Hải Châu (Đà Nẵng), và đẩy mạnh đầu tư các dự án như D’Evelyn Beach (Non Nước – Hội An) thêm 10 tỷ đồng, dự án trồng cao su Đông Giang thêm 50 tỷ đồng và bổ sung đầu tư cho các nhà máy 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, BCTC 9T/2013 cho thấy tình hình đầu tư các dự án này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thể hiện qua chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án không gia tăng bao nhiêu, đáng kể nhất là dự án trồng cao su được đầu tư thêm hơn 6 tỷ đồng, đạt 12% kế hoạch.

Bảng 2: Kế hoạch đầu tư các dự án trong năm 2013 (Nguồn: BCTN 2012)

VHG: Liên tục bán tài sản, chúng ta có thể kỳ vọng gì?

Nguyên nhân chính khiến cho tiến độ các dự án này triển khai chậm là do thiếu hụt nguồn vốn tài trợ. Như đã đề cập ở trên, tiền mặt của VHG chỉ còn vỏn vẹn 11 tỷ đồng và sắp tới công ty còn phải thanh toán cổ tức tiền mặt 3%.

Đáng chú ý là trong kỳ, VHG đã tiến hành mua nhà và đất ở số 243/11 Nguyễn Văn Hưởng với giá trị 19 tỷ đồng.

(3) Kỳ vọng vào dự án Thủy điện Trung Sơn?

VHG cho biết vào ngày 20/12/2013 đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Hydrochina Zhongnan trong việc thực hiện dự án Thủy điện Trung Sơn. Dự án có tổng vốn đầu tư 411.57 triệu USD và do Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn làm chủ đầu tư.

Theo công bố trên website, thủy điện Trung Sơn là dự án thủy điện quy mô trung bình, được xây dựng trên dòng chính sông Mã thuộc khu vực Tây Bắc. Vị trí công trình thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy điện có công suất lắp đặt 260 MW, bao gồm 4 tổ máy sản xuất 1,018 triệu kWh/năm.

Tuy nhiên, thông tin chi tiết liên quan đến việc thực hiện dự án như VHG sẽ thực hiện hạng mục nào của dự án, giá trị bao nhiều… lại không được công bố.

Hữu Trọng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VHG: Liên tục bán tài sản, chúng ta có thể kỳ vọng gì?