Nóng chuyện “nới room” và sản phẩm mới cho TTCK

20/06/2014 10:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF) năm 2014, chủ đề về hướng phát triển TTCK Việt Nam những năm tới được các cá nhân và tổ chức tham dự rất quan tâm khi nhiều nội dung trao đổi xoay quanh việc nới room cho NĐT nước ngoài và các sản phẩm mới.

Nước ngoài có thể tham gia liên doanh tỷ lệ 80-90% thay vì đầu tư trên TTCK

Các diễn giả tham gia tại VIF 2014 tranh luận khá nhiều về việc nới room cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. TS. Marc Faber cho rằng không nên giới hạn việc mua vốn của nước ngoài. Tiến sỹ đề cập cần phải tháo gỡ những hạn định về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu cũng như mở của cho người nước ngoài tham gia thị trường bất động sản Việt Nam. Đồng quan điểm về room sở hữu ngoại, ông Andreas Vogelsanger-CEO quỹ AFC cho rằng tỷ lệ sở hữu 49% hay 60% không có sự khác biệt lớn về mức độ ảnh hưởng lên công ty.

Nóng chuyện “nới room” và sản phẩm mới cho TTCK

Diễn giả Marc Faber thuyết trình tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-VIF năm 2014

Trong nội dung trao đổi về các giải pháp trực tiếp thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Vũ Bằng-Chủ tịch UBCK cho hay Chính phủ và các Bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục rà soát, phân loại để nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với các lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.

Trước mắt thì việc nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ thực hiện theo lộ trình cam kết WTO, trong đó đặc biệt khuyến khích các tổ chức tài chính lớn có uy tín, chuyên nghiệp tham gia sở hữu các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước.

Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài - Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ một cách thức với các NĐT nước ngoài có thể tham gia đầu tư ở các doanh nghiệp, bằng cách đầu tư trực tiếp vào một số lĩnh vực không bị giới hạn của các công ty con thay vì tham gia trên TTCK. Với cách này NĐT nước ngoài muốn đầu tư ổn định có thể liên doanh với công ty con trong tỷ lệ lên đến 80-90%.

Nóng chuyện “nới room” và sản phẩm mới cho TTCK

Các diễn giả tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-VIF năm 2014 do báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức

UBCK nói gì về “hàng mới”?

Đề án Xây dựng TTCK phái sinh trong năm nay UBCK sẽ hoàn tất việc ban hành Nghị định, trình Chính phủ việc ban hành Nghị định và các thông tư liên quan. Hiện nay UBCK đang xây dựng các chương trình đào tạo, triển khai công nghệ và hệ thống để sớm đưa TTCK phái sinh đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó Sở GDCK Hà Nội (HNX) đang tích cực trong việc xây dựng các sản phẩm về trái phiếu đi trước lộ trình thị trường phái sinh nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu và thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu.

Giao dịch trái phiếu Chính phủ sẽ được nâng cấp thông qua phát triển hệ thống giao dịch trực tuyến trên internet, phát triển công cụ tính toán Bond Index, triển khai kết nối hệ thống với Bloomberg,...

Hoạt động triển khai các quỹ đầu tư mới, đặc biệt là các quỹ mở như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ ETF. Hiện nay UBCK đã nhận được 2 hồ sơ đầu tiên về ETF liên quan đến hai chỉ số HOSE-Index và HNX-Index, và trong tháng 7 tới sẽ có một giấy phép đăng ký đầu tiên để trong năm nay có thể triển khai hai loại hình quỹ mở và sản phẩm ETF này.

Về việc tái cầu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán thì theo thống kê của UBCKNN, 6 tháng đầu năm nay đã có 24 công ty chứng khoán và 6 công ty quản lý quỹ rút khỏi thị trường, còn lại 89 công ty chứng khoán và 41 công ty quản lý quỹ đang hoạt động. Như vậy sau một năm tái cấu trúc đã giảm khoảng 20% số lượng các tổ chức kinh doanh chứng khoán không hiệu quả. Sắp tới sẽ áp dụng các tiêu chí cảnh báo sớm theo tiêu chuẩn CAMEL và công khai hóa xếp hạng đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Song song đó là đề án hợp nhất hai Sở Giao dịch Chứng khoán đang thực hiện những bước cuối cùng để trình Chính phủ hình thành một TTCK thống nhất trên cơ sở phân định ba thị trường gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh.

Ngoài ra để thúc đẩy tính thanh khoản cho cổ phiếu mới IPO, tỷ lệ tự do chuyển nhượng sẽ được nâng lên ở các công ty niêm yết. Bên cạnh đó, triển khai một số sản phẩm mới như Covered Warrants, NVDR, một vài sản phẩm hedging đối với trái phiếu... trên cơ sở đáp ứng các khuôn khổ pháp lý.

Kế đến là xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn TTCK (bao gồm cổ phiếu tại cả 2 SGDCK); xây dựng tiêu chí thống nhất tại 2 Sở GDCK để phân loại cổ phiếu vào các nhóm ngành theo thông lệ quốc tế, xây dựng bộ chỉ số trái phiếu. Ngoài ra là xây dựng Nghị định về công ty định mức tín nhiệm đối với hoạt động thị trường.

Nóng chuyện “nới room” và sản phẩm mới cho TTCK

Chủ tịch Vũ Bằng trao đổi với các phóng viên bê lền diễn đàn VIF

Bên lề diễn đàn, ông Bằng cho biết thời gian mà hai Sở GDCK sáp nhập cụ thể vẫn chưa xác định được vì việc trình Chính Phủ đề án sáp nhập nếu được chấp nhận thì sẽ tiếp tục có thêm lộ trình mới để không gây “sốc” với thị trường, đảm bảo hoạt động giao dịch tại hai Sở vẫn thông suốt. Trên cơ sở thống nhất cho đề án thì trước hết sẽ tiến hành hợp nhất về tổ chức, sau đó đến công nghệ và phân loại hàng hóa sao cho thị trường vẫn “smooth”, tránh gây “giật cục”, phá vỡ hoạt động thị trường đang diễn ra. Tuy nhiên ông Bằng vẫn chưa tiết lộ sau khi hợp nhất thì trụ sở của Sở giao dịch mới sẽ nằm ở đâu.

Thiên Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nóng chuyện “nới room” và sản phẩm mới cho TTCK