NHNN ghi dấu ấn chính sách tiền tệ và xử lý nợ xấu

06/01/2014 18:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết thúc năm 2013, lạm phát chỉ tăng ở mức thấp, tỷ giá ổn định và lãi suất giảm khá mạnh so với đầu năm.

Ngoài yếu tố khách quan là sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và sức mua suy giảm thì yếu tố đóng góp quan trọng là sự thành công trong chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó NHNN cũng đã có rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng.

Nhìn lại những dấu ấn chính sách tiền tệ 2013

Tăng trưởng tín dụng, cung tiền và tiền gửi trong nền kinh tế

NHNN ghi dấu ấn chính sách tiền tệ và xử lý nợ xấu

Nguồn: IMF, NHNN và tác giả

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến ngày 12/12/2013, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế đã tăng 8.83% so với cuối năm 2012. Còn nguồn vốn huy động tăng 15.61%, trong đó tiền gửi ngoại tệ tăng 13.7%, tiền gửi VND tăng 15.93%. Nhờ việc huy động tăng trưởng cao hơn cho vay, thanh khoản của hệ thống các TCTD tiếp tục cải thiện.

Một điểm tích cực khác, trên thị trường tiền tệ là lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng đều giảm khá mạnh. Cụ thể lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm của các ngân hàng đang huy động dưới mức 8%, còn các kỳ hạn dài hơn quanh mức 9-10%. So với đầu năm lãi suất huy động đã giảm 2-3%. Trong khi đó lãi suất cho vay cũng giảm ở mức tương ứng với kỳ hạn dài chỉ quanh mức 10-13%, còn lãi suất cho vay phục vụ vốn lưu động dưới 10%. Nhiều khoản vay cũ với lãi suất rất cao trước đó cũng được TCTD cơ cấu lại đưa về dưới 13%. Việc giảm lãi suất đã làm cho gánh nặng lãi suất của doanh nghiệp giảm đi rất nhiều và đang hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Về mặt chính sách trong năm 2013, NHNN đã hai lần giảm lãi suất tái cấp vốn đưa lãi suất này từ mức 9% đầu năm về 7%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2009. Tương tự như vậy, lãi suất tái chiết khấu cũng giảm từ 7% đầu năm xuống chỉ còn 5%, đây cũng là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009 đến nay. Việc giảm lãi suất chính sách này có vai trò rất quan trọng trong chính sách tiền tệ, giúp các ngân hàng tiếp cận được vốn giá rẻ hơn và từ đó làm giảm lãi suất trên thị trường.

Năm 2013, NHNN cũng rất thành công trong việc điều hành tỷ giá. Có thời điểm tỷ giá USD/VND đã vượt mức 22,000 đồng/USD, cao hơn tỷ giá chính thức gần 5%. Trước hiện tượng này, không ít chuyên gia và tổ chức cho rằng VND đang được định giá quá cao và NHNN phải phá giá để thiết lập lại cân bằng. Tuy nhiên, NHNN đã kiên định việc giữ nguyên tỷ giá liên ngân hàng quanh mức 21,000 VND/USD. Hiện nay, tỷ giá chính thức và trên thị trường tự do đang giữ ở mức ổn định quanh mức 21,100 USD, tỷ giá liên ngân hàng cũng không đổi trong hơn 6 tháng qua.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, NHNN đã phối hợp cùng Bộ Xây dựng triển khai gói 30,000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi và thời gian cho vay kéo dài để hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Nhiều người kỳ vọng gói tín dụng này sẽ góp phần tích cực trong việc làm ấm lên thị trường bất động sản và giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Chính sách này gặp không ít quan ngại từ phía các chuyên gia và cho đến nay số tiền giải ngân vẫn rất ít. Tuy nhiên, gói tín dụng vẫn đang đóng góp khá tích cực tới thị trường bất động sản.

Nỗ lực xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng

Hệ thống ngân hàng là một trong những mắt xích quan trọng nhất của nền kinh tế nhưng đang gặp không ít rủi ro. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề trọng tâm của NHNN trong năm vừa qua. Kết quả dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, bước đầu NHNN cũng đã khá thành công trong việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, NHNN cho biết nợ xấu theo báo cáo của các TCTD, tính đến cuối tháng 9 tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng trên 142,300 tỷ đồng, chiếm 4.62% tổng dư nợ, tăng 20.2% so với cuối năm 2012. Trong báo cáo gần đây, NHNN cho biết nợ xấu đang giảm dần nhờ VAMC đã mua lại nợ xấu và các TCTD cũng đang rất tích cực trong việc tự xử lý.

Thống đốc NHNN cho biết tính đến cuối tháng 9 thì các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ theo cơ chế mới, khoảng trên 300,000 tỷ. Và có tới 60% các khoản nợ nếu không cơ cấu lại đã thành nợ xấu, nói cách khác nếu không cơ cấu lại thì nợ xấu đã tăng thêm trên 6%. Điều đó cho thấy nợ xấu được duy trì ở mức thấp chủ yếu còn do việc hoãn thời gian áp dụng Thông tư 02. Trên thực tế, nợ xấu nếu được phân loại một cách đầy đủ và “đúng chuẩn” sẽ rất cao.

Nợ xấu cao là một thực tế và là rủi ro lớn của nền kinh tế. Tuy vậy, chính sách của NHNN đã hóa giải phần nào tác động tiêu cực của nó. Việc tái cơ cấu nợ là việc “bất khả kháng” và nó có tác dụng tích cực trong việc giúp ngân hàng có thời gian để xử lý, doanh nghiệp cũng có thời gian và cơ hội vay thêm tiền để đầu tư phục vụ sản xuất.

Một thành công khác là VAMC đã chính thức đi vào hoạt động và đã bắt đầu phát huy tác dụng. Theo báo cáo của NHNN đến ngày 24/12, VAMC mua 32,000 tỷ đồng nợ xấu của gần khoảng 26 TCTD. Số tiền khoảng 1% tổng dư nợ này đã được đưa khỏi bảng cân đối kế toàn của hệ thống ngân hàng. Các TCTD có thể dùng trái phiếu đặc biệt của VAMC để chiết khấu cho NHNN để có được tiền cho vay hoặc cải thiện thanh khoản.

Trên thực tế tổng nợ xấu trong nền kinh tế vẫn không đổi nhưng việc VAMC mua nợ mang đến nhiều điểm tích cực đối với nền kinh tế. Khách hàng có nhiều cơ hội được cấu trúc nợ, vay thêm nợ để phục hồi sản xuất, còn TCTD thì có thời gian để xử lý nợ tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản.

Đối với việc tái cấu trúc, ngân hàng cũng đã đạt được nhiều thành công. Một số tổ chức tín dụng yếu kém đã phải tự tái cấu trúc hoặc đã sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Một số ngân hàng đã bước đầu thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ sau khi tái cấu trúc. Như vậy, NHNN đã vượt qua được không ít khó khăn, từ rào cản các nhóm lợi ích cho đến những rủi ro hệ thống để đưa hệ thống ngân hàng dần ổn định. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc ngân hàng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tình trạng sở hữu chéo, công ty sân sau và nợ xấu khiến cho quá trình tái cấu trúc vẫn còn một chặng đường gian nan phía trước.

Huỳnh Bá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NHNN ghi dấu ấn chính sách tiền tệ và xử lý nợ xấu