Năm Quý Tỵ và những chuyện hy hữu trên sàn chứng khoán

28/01/2014 20:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết thúc năm Quý Tỵ, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều vụ việc bất ngờ như “cổ đông đòi tát Chủ tịch”, ngỡ ngàng với “lãi chênh lệch tới 800 tỷ”, hay những chuyện hy hữu kiểu đi đòi nhà lại bị...

nhốt và một nhân viên văn thư bị phạt tới 80 triệu đồng… đến chuyện đau lòng liên quan đến chết chóc…

Năm Quý Tỵ và những chuyện hy hữu trên sàn chứng khoán

BKC: Đại hội kéo dài 2 ngày, cổ đông đòi... tát Chủ tịch

Lần đầu tiên, có một biên bản họp ĐHĐCĐ ghi lại chi tiết nhất cử nhất động của các thành viên tham dự. Từ tình tiết Thành viên HĐQT, Kế toán trưởng tố cáo Chủ tịch có nhiều vi phạm pháp luật khi tự ký báo cáo của HĐQT năm 2012 đến việc cổ đông bị bỏ rơi tại ĐHĐCĐ lần đầu khiến nỗi bức xúc lên tới đỉnh điểm “nếu tôi gặp anh (Chủ tịch - pv) ngày hôm đấy tôi sẽ tát cho anh một cái vào mặt…”.

Đó là những gì diễn ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2013 lần hai của Khoáng sản Bắc Kạn (HNX: BKC) ngày 29 và 30/07/2013 - đây cũng là Đại hội có thời gian kéo dài nhất từ trước đến nay - tròn 2 ngày.

Nội dung Đại hội chỉ xoay quanh việc bãi miễn 3 thành viên HĐQT do cổ đông nhận thấy có những lợi ích cá nhân trong những hợp đồng hợp tác đầu tư cũng như hoạt động kinh doanh của công ty. Đồng thời, cổ đông chất vấn về báo cáo tài chính 2012 cũng như hoạt động đầu tư dự án khoáng sản, công nợ… không rõ ràng.

GAS: Sai lệch gần 800 tỷ đồng lợi nhuận chỉ bởi tuần trước là ước tính!!!

Việc con số ước tính chênh lệch so với thực tế đều có thể chấp nhận nếu trong phạm vi nào đó, nhưng Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) lại có sai số tới 800 tỷ đồng. Một con số khiến cổ đông bàng hoàng, ảnh hưởng không ít tới uy tín cũng như giá cổ phiếu GAS trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể là ngày 18/07 GAS đăng tải thông tin ước lãi sau thuế công ty mẹ 6 tháng đầu năm đạt 6,205 tỷ đồng. Đến ngày 25/06, GAS ra báo cáo tài chính công ty mẹ với lợi nhuận sau thuế tăng tới 835 tỷ đồng, lên mức 7,040 tỷ đồng.

Khi nhà đầu tư cũng như báo chí phát hiện thì GAS giải trình đơn giản bởi đó là “số liệu ước tính”. Mà việc tính toán số liệu ước tính được thực hiện vào trước ngày 25 của tháng khi kết thúc quý, 6 tháng và năm. Khi đó GAS chưa thể thu thập hết tất cả các số liệu doanh thu, chi phí trong toàn tổng công ty để cung cấp số liệu lợi nhuận chính xác trong báo cáo ước tính.

Là một doanh nghiệp lớn với vốn điều lệ gần 19,000 tỷ đồng nhưng số liệu công bố ra công chúng là bất nhất gây ảnh hưởng không nhỏ đến “túi tiền” nhà đầu tư bán ra và mua vào cổ phiếu.

BBC: Cuộc chiến Bibica và Lotte chưa ngã ngũ

Những thương hiệu Việt một thời đình đám như mì Miliket, kem đánh răng Dạ Lan, nước giải khát Tribeco… đã dần biến mất khi hợp tác với đối tác ngoại khiến người tiêu dùng lại một lần nữa lo cho số phận của Bibica.

Trong năm qua, cuộc chiến giữa Bibica và Lotte đã thu hút được rất nhiều quan tâm của dư luận bởi đây là một thương hiệu đã gắn liền với người tiêu dùng từ lâu. “Kết duyên” nhau từ năm 2007, tưởng chừng việc hợp tác sẽ suôn sẻ theo chiều hướng hai bên cùng có lợi, nhưng bất ngờ năm 2012 Lotte liên tục gom thêm cổ phiếu Bibica và đề xuất đổi tên công ty thành Lotte Bibica. Lúc này ban lãnh đạo Bibica mới ngã ngửa vì chính mình “cõng rắn cắn gà nhà”.

Đến ĐHĐCĐ năm 2013, Lotte tiếp tục “tung chiêu” mới là đề xuất thay toàn bộ HĐQT Bibica. Tuy nhiên, sau hai lần tổ chức Đại hội, thì các bên đã thống nhất sẽ tạm hoãn việc sửa đổi bổ sung điều lệ cũng như hoãn bầu lại HĐQT. Từ đó đến nay, cả Lotte và SSI (nhóm cổ đông mới xuất hiện) vẫn đều đặn gom và theo sát nhau về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu BBC.

Vụ việc chưa dừng lại, và khả năng năm 2014 sẽ tiếp tục căng thẳng những tranh cãi xung quanh cuộc chiến này.

Quá sốc với con số kết quả kinh doanh của PVX!

 

Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) liên tục gây choáng váng cho nhà đầu tư về số liệu kết quả kinh doanh. Qua mỗi lần công bố lại, lãi ròng năm 2011 "nhảy múa không ngừng" từ lãi hàng trăm tỷ mất trắng, ghi nhận âm 19 tỷ đồng rồi lại quay về... lãi.

Sở dĩ có sự thay đổi tới lần thứ 3 do Kiểm toán Nhà nước "nhầm lẫn về mặt kỹ thuật" khi hợp nhất thiếu bút toán hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính của PVX vào PVC-SG số tiền 19.7 tỷ đồng.

Sau khi được "giải oan" thì cổ phiếu PVX liền được cho thoát khỏi diện bị kiểm soát và chuyển sang bị cảnh báo do chỉ còn lỗ năm 2012 với 1,338 tỷ đồng, còn năm 2011 lãi 590 triệu đồng.

Vì sao Chủ tịch PVL Hoàng Ngọc Sáu bị khởi tố?

Những ngày cuối năm, thông tin ông Hoàng Ngọc Sáu - Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Dầu khí (HOSE: PVL) bị Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của TPHCM phê duyệt song Chủ tịch PVL vẫn ký hợp đồng thuê thiết kế bản vẽ thi công từ 18 tầng lên 22 tầng dự án chung cư Linh Tây (Thủ Đức, TPHCM) với tổng trị giá hợp đồng hơn 9 tỷ̉ đồng, đã chi 8.1 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Sáu còn ký hợp đồng thuê hơn 1,000 m2 của dự án trung tâm thương mại, văn phòng và chung cư An Phú thuộc phường An Phú, Q2, TPHCM để làm sàn giao dịch bất động sản với giá thuê 8,720USD/tháng, thời hạn thuê trong 5 năm để làm sàn giao dịch bất động sản. PVL đã thanh toán cho công ty cổ phần bất động sản VN hơn 11.2 tỉ đồng song qua xác minh cho thấy việc cho thuê này không có thật.

 

IDI: Giám đốc, Phó GĐ nhà máy cùng 4 người chết trong bồn chứa mỡ cá

Một vụ việc đau lòng trong năm qua là Giám đốc, Phó giám đốc nhà máy và 4 nhân viên khác của Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (HOSE: IDI) bị tử vong khi đang lấy mẫu mỡ cá trong bồn để phân tích. Nguyên nhân được xác định do bồn thiếu oxy khiến 6 người này bị choáng, ngã xuống bồn và bị ngạt.

Qua sự việc này, một lần nữa, vấn đề an toàn bảo hộ lao động lại được nhắc đến nhiều hơn và câu hỏi bao nhiêu doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ quy định này lại càng khó trả lời!

PTL: Đi đòi nhà, khách hàng Petroland bị nhốt

Thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp đói vốn khiến dự án ngưng trệ. Năm 2013 chứng kiến nhiều vụ khách hàng tố doanh nghiệp chậm giao nhà từ QCG đến PTL khiến xảy ra nhiều trường hợp dở khóc dở cười.

Hồi đầu tháng 8/2013, gần 30 khách hàng mua căn hộ chung cư Phú Mỹ, Quận 7, TPHCM do CTCP Đầu tư Dầu khí Mỹ Phú làm chủ đầu tư, còn CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland-PTL) bán từ năm 2010, đã “biểu tình” nhằm gây sức ép với chủ đầu tư. Theo hợp đồng, thời hạn bàn giao căn hộ vào tháng 6/2012 nhưng tới thời điểm đó dự án vẫn không nhúc nhích trong khi khách hàng đã đóng 70% giá trị căn hộ.

Quá bức xúc, nhóm khách hàng này đã tới trụ sở của PTL và yêu cầu làm rõ tình trạng dự án nhưng khi vào bên trong cao ốc thì… thang máy bị khóa. Lãnh đạo bận họp nên khách phải chờ ở sảnh thang máy đến tận trưa.

Liên tiếp những tháng sau đó, nhiều nhóm khách hàng khác vẫn tiếp tục “phong tỏa” tòa nhà PTL và đập bể kiếng khiến cơ quan chức năng vào cuộc.

Theo PTL, dự án đã tiến hành cất nóc nhưng đang gặp khó khăn trong vấn đề kinh phí để hoàn thiện dự án dẫn đến tiến độ giao nhà bị chậm.

MEC: Nhân viên văn thư bị phạt tới 80 triệu do ban hành công văn muộn

Cũng là lần đầu tiên, việc xử phạt hành chính vi phạm trên TTCK của doanh nghiệp được quy cho cá nhân. Đó là một nhân viên văn thư của Someco Sông Đà (HNX: MEC) do vô tình ban hành công văn muộn về miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc và Nghị quyết HĐQT mà phải chịu số tiền phạt tới 80 triệu đồng.

Trong khi đó, một cổ đông mà không báo cáo đúng thời hạn trước khi thực hiện giao dịch mua hay bán cổ phiếu thì cũng chỉ chịu mức phạt từ 30-40 triệu đồng. Hay tạo cung cầu ảo nhằm thao túng giá cổ phiếu chỉ 250 triệu đồng.

Minh An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm Quý Tỵ và những chuyện hy hữu trên sàn chứng khoán