HUT: Sẽ có lợi nhuận đột biến trước phát hành thêm?

13/06/2014 13:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều khả năng KQKD các quý còn lại trong năm sẽ có sự đột biến và giúp HUT hoàn thành kế hoạch. Đây rõ ràng sẽ là một cú hích đối với việc phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.

Quý 1/2014: Doanh thu không khả quan nhưng lợi nhuận vẫn ổn định

Doanh thu hợp nhất quý 1/2014 của CTCP Tasco (HNX: HUT) giảm mạnh hơn 74.4 % so với quý 1/2013 khi chỉ đạt 111.5 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận gộp vẫn tăng 24.7% đạt 21.6 tỷ đồng, nhờ vào sự cải thiện của tỷ lệ lãi gộp.

Chi phí lãi vay trong kỳ tăng đáng kể 77.5% lên 9.8 tỷ đồng; nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm 27% xuống còn 7.6 tỷ đồng đã giúp duy trì kết quả lợi nhuận tích cực. Theo đó, lợi nhuận sau thuế thuế vẫn đạt 1.6 tỷ đồng, tăng 12.6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 1.5 tỷ đồng giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh gần đây của HUT (Nguồn: VietstockFinance)

HUT: Sẽ có lợi nhuận đột biến trước phát hành thêm?

Các dự án Bất động sản: Rủi ro thấp nhưng vẫn còn tồn tại

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2014, khoản mục chi phí xây dựng dở dang của HUT lên tới 3,092 tỷ đồng, tăng 16.7% so với cuối năm 2013 và chiếm hơn 59% tổng tài sản.

Hiện các khoản đầu tư của HUT tập trung chủ yếu vào dự án BT Quốc lộ 21: 1,061 tỷ đồng, Dự án Đường tỉnh lộ 39, Thái Bình: 406 tỷ đồng, Dự án đường Lê Đức Thọ, Hà Nội: 370 tỷ đồng, Dự án Đơn vị ở số 3 thuộc DA Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội: 353 tỷ đồng, Dự án BOT Quảng Bình: 318 tỷ đồng. Dự án bất động sản lớn nhất mà HUT đang đầu tư là Khu đô thị Năm Canh - Hoài Đức, Hà Nội: 278 tỷ đồng, dự án khu đất 48 Trần Duy Hưng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội hiện mới chỉ đầu tư 1.8 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư tập trung chủ yếu ở dự án BT và BOT sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của HUT an toàn hơn. Tuy nhiên, HUT vẫn có rủi ro liên quan đến tiến độ giải ngân đối với các dự án này, đặc biệt khi việc giải ngân đối với các dự án cơ sở hạ tầng thường diễn ra khá chậm.

Ngân hàng nào đang tài trợ vốn cho HUT?

Tính đến cuối quý 1/2014, tổng nợ vay của HUT là gần 2,670 tỷ đồng, tăng 10.2% so với đầu năm; với nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 2,307 tỷ đồng, giúp giảm bớt sức ép về thanh toán nợ cho HUT.

Hiện các khoản nợ vay của HUT được tài trợ chủ yếu từ các ngân hàng:

· BID với hơn 1,602 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ vay.

· Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam với 685 tỷ đồng, chiếm 25.7% tổng nợ vay.

· Các ngân hàng khác như SHB (56 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á và Ngân hàng TMCP Hàng Hải với cùng 23 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Dầu khí với 17 tỷ đồng.

Ngoài ra, HUT còn khoản trái phiếu chuyển đổi trị giá 100 tỷ đồng, được phát hành trong 12/2013 và thời hạn chuyển đổi là 24 tháng kể từ ngày phát hành. Theo thông tin từ ĐHCĐ năm 2014, kỳ hạn trái phiếu và thời hạn chuyển đổi đều đã được điều chỉnh xuống còn 12 tháng.

Sẽ có lợi nhuận đột biến trước phát hành thêm?

Lượng tiền mặt của HUT đã sụt giảm đáng kể so với đầu năm và hiện còn lại 193 tỷ đồng. Việc phát hành thành công 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong tháng 4/2014 giúp thu về 198.2 tỷ đồng nhưng vẫn còn khá ít so với nhu cầu đầu tư của HUT. Do đó, ĐHCĐ thường niên đã thông qua việc:

· Phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu với giá phát hành 10,000 đồng/cp (hiện thị giá của HUT là 11,000 đồng/cp). Tổng số tiền thu được (200 tỷ đồng) sẽ được HUT tập trung vào các dự án: Dự án BOT Lê Đức Thọ: 12 tỷ đồng, Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Quảng Bình: 124 tỷ đồng, Dự án BT 21: 37 tỷ đồng và các dự án BOT mới: 11 tỷ đồng.

· Phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, với mệnh giá 1 triệu đồng/ trái phiếu, kỳ hạn 12 tháng, giá chuyển đổi 10,000 đồng/cp. Nguồn tiền thu được sẽ đầu tư vào Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Quảng Bình, Dự án BT 39, Dự án đơn vị ở số 3 và phần còn lại của đơn vị ở số 2 Dự án Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Nhiều khả năng việc phát hành trái phiếu này nhằm tái cơ cấu lại khoản trái phiếu đã phát hành năm 2013.

Như vậy, có thể thấy sức ép pha loãng lên giá cổ phiếu và EPS của HUT trong năm 2014 là rất lớn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ lên khả năng phát hành thêm của cổ phiếu này. Vậy đâu có thể là sức hút để giúp HUT phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi thành công?

Năm 2014, HUT đặt kế hoạch kinh doanh khá hấp dẫn với doanh thu dự kiến đạt 1,000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng. Với doanh thu quý 1 đạt được khá thấp thì nhiều khả năng KQKD các quý còn lại trong năm sẽ có sự đột biến và giúp HUT hoàn thành kế hoạch. Đây rõ ràng sẽ là một cú hích đối với việc phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.

Duy Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HUT: Sẽ có lợi nhuận đột biến trước phát hành thêm?