Góc nhìn 12/06: Trở lại với xu hướng đi ngang?

11/06/2014 18:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia cho rằng áp lực bán sẽ xuất hiện lớn dần khi chỉ số VN-Index tiếp cận vùng 580 điểm. Theo đó, thị trường nhiều khả năng sẽ đi ngang trong các phiên giao dịch tới.

Tăng nhưng động lực chưa thật sự mạnh mẽ

CTCK MayBank KimEng (MBKE): Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên tăng. Cứ một mã giảm thì có đến 2,5 mã tăng điểm. Điều này cho thấy hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đã không còn tiếp diễn như phiên giao dịch 10/06.

Tâm điểm giao dịch trên thị trường trong phiên 11/06 là nhóm ngành ngân hàng với tất cả các cổ phiếu tăng điểm. Điều này không quá ngạc nhiên khi thị trường kỳ vọng các NHTM hạ lãi suất sẽ kéo theo chi phí vốn của các ngân hàng giảm. Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng mặc dù giá trị mua ròng giảm so với phiên liền trước. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng là 3,5 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị mua ròng 26 tỷ đồng, giảm 35% so với phiên liền trước.

Xu hướng ngắn hạn của VN-Index đang là tăng nhưng động lực chưa thật sự mạnh mẽ. Với HNX-Index vẫn còn là giai đoạn thử thách lại kháng cự. MBKE khuyến nghị nhà đầu tư giữ một tỷ trọng cổ phiếu vừa phải (50%) trong thời điểm hiện nay.

Đi ngang trong biên độ hẹp

CTCK VNDirect (VND): Về mặt đồ thị, VN-Index tạo đỉnh mới cao hơn các phiên trước và đang củng cố tín hiệu tăng, tuy vậy thanh khoản chỉ tăng nhẹ và vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên, cho thấy dòng tiền vẫn chưa thật sự tự tin tham gia thị trường.

Trong nhịp này, VND lưu ý 2 điểm: (1) Phần lớn thị trường không vượt được đỉnh cuối tháng 5 mà chỉ dao động trong biên độ hẹp, thể hiện 1 trạng thái lưỡng lự, chưa ngã ngũ giữa bên mua và bên bán; (2) Các nhóm cổ phiếu thay nhau dẫn dắt, từ nhóm chứng khoán, đến nhóm ngân hàng, một số mã bất động sản và penny, nhưng đặc trưng của nhóm này là hầu hết sau phiên đột biến đều có xu hướng chững lại.

Vì vậy, VND cho rằng hiện tại phương pháp giao dịch sideway trading tạm thời có lợi thế. Thị trường chưa rõ ràng xu hướng, rủi ro vẫn cao, do đó chỉ nên giữ tỷ lệ cổ phiếu thấp. Việc mua vào nếu có, nên chọn những thời điểm trũng với mục tiêu lợi nhuận mỏng vì khả năng thị trường giao dịch đi ngang trong biên độ hẹp.

Sideway biên độ hẹp 560 – 570

CTCK FPT (FPTS): Khối lượng giao dịch khớp lệnh của phiên 11/06 không có sự cải thiện rõ rệt theo mức tăng về điểm số, điều này thể hiện kỳ vọng ngắn hạn của dòng tiền không còn tích cực như phiên đầu tuần. Trong khi đó, về phương diện kỹ thuật, do các chỉ báo xung lượng của thị trường hiện tại đang có chiều hướng đi xuống nên những phiên tăng điểm trong giai đoạn này sẽ không được đánh giá cao.

Trong quá khứ đã nhiều lần chỉ số được kéo lên với diễn biến tăng giá của những cổ phiếu trụ như GAS, VIC, MSN,... nhưng không tạo được hiệu ứng lên dòng tiền và cải thiện thanh khoản, các cổ phiếu thị trường và đầu cơ không tăng cùng nhịp mà thường chỉ sideway down trong khoảng giá nhất định.

Theo đó, FPTS cho rằng nhiều khả năng VN-Index sẽ thiên về xu hướng sideway biên độ hẹp 560 – 570 điểm với thanh khoản thấp trong các phiên còn lại của tuần giao dịch. Bởi vậy, nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng, chờ đợi những tín hiệu chắc chắn hơn từ thị trường và khối ngoại; việc giải ngân vẫn cần hạn chế, tránh trường hợp mua đuổi giá cao trong các phiên tăng điểm.

Có thể chuyển sang sóng điều chỉnh

CTCK MB (MBS): Về kỹ thuật, VN-Index đang trong mẫu hình sóng tăng B của sóng Elliots và khả năng giai đoạn này là giai đoạn giao thoa giữa đỉnh sóng B và có thể chuyển sang sóng điều chỉnh C.

Do đó chiến lược thích hợp trong giai đoạn này là trading Bán cao - Mua thấp bình quân giá vốn và tập trung cơ cấu lại danh mục. Hạn chế mua mới hoặc chỉ mua trading các cổ phiếu có sẵn trong tài khoản.

Áp lực bán tại kháng cự 580

CTCK Sacombank (SBS): Chỉ số VN-Index đã chạm vào vùng 570 lần đầu tiên sau 2 tháng. Vùng kháng cự gần nhất quanh 580 không cách xa vùng giá hiện nay bao nhiêu và là nơi tập trung nhiều điểm giao cắt tại đây có thể có nhiều áp lực bán mạnh.

Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi trong các phiên tới nhằm tránh rủi ro T+ trong ngắn hạn.

Gia Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc nhìn 12/06: Trở lại với xu hướng đi ngang?