Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, điệp khúc cuối năm?

27/11/2013 09:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần về cuối năm thì việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết lại bắt đầu rộ lên.

Dường như việc thay đổi lại những con số kế hoạch này không còn mấy ý nghĩa bởi thời điểm cuối năm đang cận kề, khi mà miếng bánh kết quả kinh doanh đã được bóc gần xong.

Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 20/11, trên tổng số gần 700 cổ phiếu đang niêm yết trên cả hai sàn thì có 21 công ty đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và 3 công ty chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến về vấn đề này. Bên cạnh đó cũng có một số công ty đã manh nha ý định nhưng chưa thể thống nhất.

Phần lớn các doanh nghiệp trong số này đều điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch, ngoại trừ hai trường hợp duy nhất VHG và TDC.

Của hiếm!

Trái ngược với xu thế điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn (HOSE: VHG) cùng CTCP Kinh doanh - Phát triển Bình Dương (HOSE: TDC) tạo ấn tượng khi điều chỉnh tăng chỉ tiêu kinh doanh năm 2013.

Trong đó, VHG là đơn vị gây khá nhiều bất ngờ khi điều chỉnh chỉ tiêu từ lỗ 20 tỷ đồng sang lãi 130 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của VHG trước đó cũng khá bê bết khi trong 10 quý gần nhất thì có đến 8 quý báo lỗ. VHG chỉ có lãi ở quý 2/2013 và quý 3/2013. Cũng nhờ đó kéo lãi ròng 9 tháng đầu năm lên hơn 75.5 tỷ đồng và thực hiện được 58% kế hoạch mới.

Việc VHG có lãi trong hai quý được lý giải là do bán cổ phần tại CTCP Nhựa Kim Tín và CTCP Vật liệu Xây dựng Việt - Hàn, mang lại 31.95 tỷ đồng và 31.63 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu năm VHG cũng đã công bố một số hợp đồng sản xuất mới với quy mô khá lớn như hợp đồng với Tổng công ty Điện lực Miền Nam để cung ứng sản phẩm cáp quang và phụ kiện cho dự án xây dựng mạng truyền dẫn đường trục liên tỉnh; Dự án tuyến cáp quang quốc lộ 1A Vinh - Đà Nẵng với chủ đầu tư là Công ty Viễn thông Liên tỉnh, thuộc VNPT; Hợp đồng cung cấp ống nhựa PVC và phụ kiện cho Công ty Mạng lưới thuộc Tập đoàn Viettel để triển khai các tuyến ngầm hóa tại TPHCM và Huế.

Với việc sẽ bán phần vốn tại hai dự án bất động sản và những dự án quy mô lớn, VHG kỳ vọng sẽ đạt chỉ tiêu mới đề ra.

Còn ở TDC, công ty này điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu tăng từ 2,155 tỷ đồng lên 2,269.5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ gần 161 tỷ đồng lên hơn 200.6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 121.7 tỷ đồng lên 151.6 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 5% cho doanh thu và 25% cho lợi nhuận trước thuế và sau thuế. Kế hoạch mới này cũng đã được ĐHĐCĐ ngày 14/04/2013 thông qua. Doanh thu và lợi nhuận đều gia tăng, theo đó cổ tức cũng được điều chỉnh tăng thêm 3%, lên mức 13%.

Mặc dù điều chỉnh tăng nhưng kết quả kinh doanh của TDC khá tệ khi 9 tháng đầu năm chỉ lãi 1.88 tỷ đồng, tương ứng chỉ thực hiện được vỏn vẹn 1% kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh. Riêng về hoạt động chính lại chịu lỗ thuần gần 10 tỷ đồng, TDC thoát lỗ nhờ hoàn nhập dự phòng bảo hành và vi phạm hợp đồng.

“Điệp khúc” đi lùi

Ở chiều giảm chỉ tiêu kế hoạch, giảm mạnh nhất thuộc về CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (HNX: IVS) với mức giảm hơn 94% kế hoạch lợi nhuận sau thuế, tương ứng từ hơn 21 tỷ đồng về chỉ còn vỏn vẹn 1.2 tỷ đồng. Doanh thu của IVS cũng giảm từ hơn 91.7 tỷ đồng xuống còn 26.4 tỷ đồng.

Với việc giảm chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh lần này, theo thống kê đến thời điểm hiện tại của Vietstock, IVS là công ty chứng khoán đầu tiên trong năm 2013 thực hiện cắt giảm và đây là năm thứ ba liên tiếp IVS phải lên lại kế hoạch. Về kết quả kinh doanh hiện nay, tình hình hoạt động của IVS không mấy khả quan khi 9 tháng đầu năm IVS chỉ đạt 18.2 tỷ đồng doanh thu và lỗ gần 1 tỷ đồng.

Lĩnh vực bất động sản cũng có Phát triển BĐS Phát Đạt (HOSE: PDR) và Đầu tư và Xây dựng HUD3 (HOSE: HU3) đã 3 năm liền cắt giảm chỉ tiêu đề ra. Trong đó, PDR năm nào cũng đặt kế hoạch và sau đó phải cắt giảm trên 90% chỉ tiêu lợi nhuận, còn HU3 điều chỉnh giảm trong khoảng 20-40% cho các năm 2011, 2012 và 2013.

Bảng điều chỉnh kế hoạch ở các năm và kết quả kinh doanh 9T-2013 của 3 công ty


Nằm trong nhóm hai năm liên tiếp phải làm lại kế hoạch kinh doanh có Comeco (HOSE: COM) và Vinacafe Biên Hòa (HOSE: VCF). Ở COM, mức điều chỉnh mới trong năm 2013 chênh không nhiều, giảm chưa đến 5% kế hoạch lợi nhuận nhưng trong năm trước, kế hoạch lãi ròng điều chỉnh của COM giảm đến 33%.

Điều đáng nói ở đây, việc điều chỉnh kế hoạch của COM (doanh thu 5,100 tỷ đồng, lãi ròng 25 tỷ đồng cho năm 2013) chỉ mới diễn ra trong tháng 11 này, khi thời điểm kết thúc năm tài chính chỉ còn hơn 1 tháng. Cũng nhờ điều chỉnh kế hoạch, qua 9 tháng đầu năm 2013, COM đã hoàn thành vừa đúng ¾ chặng đường khi ghi nhận 3,829 tỷ đồng doanh thu và 19.4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Còn ở VCF, mức điều chỉnh kế hoạch ngày càng rộng. Năm 2012, VCF điều chỉnh giảm 16% kế hoạch lợi nhuận sau thuế nhưng qua năm 2013 đã phải điều chỉnh giảm đến 46%, từ 475 tỷ xuống chỉ còn 255 tỷ đồng. Tuy đã giảm mạnh chỉ tiêu, nhưng 9 tháng qua, VCF chỉ ghi nhận được 114.8 tỷ đồng lãi ròng, giảm 24% cùng kỳ và cũng chỉ đạt 24% kế hoạch đã điều chỉnh.

Một số công ty vốn hóa lớn cũng thực hiện điều chỉnh kế hoạch như PGI, PNJ, OGC và DPM. Trong đó, OGC gây bất ngờ lớn khi cuối tháng 10 vừa qua bắt đầu lấy ý kiến cổ đông để giảm mạnh 55% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, về còn 90 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2013 của OGC đã là 160 tỷ đồng, vượt xa chỉ tiêu năm điều chỉnh?! Liệu kế hoạch điều chỉnh lúc này có ý nghĩa gì, OGC muốn làm đẹp con số thực hiện hay Ban lãnh đạo OGC đã dự kiến quý 4 thua lỗ?

Trong nhóm các cổ phiếu còn lại cắt giảm chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh là AAM, EFI, KST, DHP, TNC, BED, HVT, QNC, DPR và CMV thì TNC nổi trội nhất với 2 lần điều chỉnh trong cùng năm 2013.

Được biết, ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 của TNC đã thống nhất kế hoạch lợi nhuận trước thuế 43 tỷ đồng. Vào cuối tháng 6/2013, HĐQT điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận xuống còn 33.5 tỷ đồng cho năm 2013 trong khi đó đã đạt được 30 tỷ đồng qua nửa đầu năm. Không dừng lại ở đó, đến giữa tháng 9, HĐQT TNC lại tiếp tục thông báo nâng kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên 40 tỷ đồng. Cùng với đó là kết quả 9 tháng đầu năm, TNT đạt 36.8 tỷ đồng lãi trước thuế, gần đạt kế hoạch năm sau khi điều chỉnh lần hai, và vượt kế hoạch điều chỉnh lần thứ nhất. Hết giảm rồi nâng, việc đưa chỉ tiêu kế hoạch của TNC đang “chạy theo sau” kết quả hoạt động.

Bên cạnh các công ty đã chốt được những con số để thực hiện điều chỉnh kế hoạch, một số công ty như FCM, PHR, PVC tuy đã chốt danh sách cổ đông xin ý kiến nhưng chưa đưa ra một con số cụ thể nào cho kế hoạch điều chỉnh của mình. Với HOM, PXM thì chỉ đơn thuần là các lãnh đạo đưa ra ý kiến điều chỉnh do kế hoạch chỉ tiêu đề ra cao và khó có thể hoàn thành.

Như vậy, tính đến thời điểm thống kê, nếu các ý kiến xin điều chỉnh kế hoạch hay các lãnh đạo đều thống nhất thông qua vấn đề này thì sẽ có 26 công ty điều chỉnh kế hoạch ở năm 2013, con số này đang thấp hơn so với năm ngoái (48 doanh nghiệp). Tuy nhiên, số doanh nghiệp điều chỉnh này có thể gia tăng mạnh vào tháng cuối cùng của năm, một viễn cảnh tương tự như ở năm 2012 khi các doanh nghiệp điều chỉnh vào phút chót.

Duy Hoàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, điệp khúc cuối năm?