Cổ phiếu nông thủy sản xuất khẩu đã đến thời?

28/10/2013 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

3 năm qua có lẽ là thời kỳ gian khó của các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam. Giá nông thủy sản trên thế giới liên tục giảm trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao...

 Đặc biệt nguyên liệu sản xuất và lãi suất cho vay cao khiến cho lợi nhuận biên của ngành ngày càng thu hẹp.

Do bản thân nguồn vốn chủ sở hữu thường nhỏ so với nhu cầu vốn để thực hiện hợp đồng hay dự trữ nguyên liệu theo mùa vụ, các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản thường vay nợ lớn để trữ hàng, lãi suất cho vay tăng, làm cho chi phí tài chính của nhiều doanh nghiệp tăng theo cấp số nhân, khiến cho nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở mức lợi nhuận biên tối thiểu lâm vào cảnh thua lỗ lớn.

Những khoản lỗ khổng lồ hay những khoản vay quá hạn, doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản là thông tin thường thấy ở các doanh nghiệp trong ngành trong mấy năm gần đây. Bóng đen thua lỗ không chỉ phủ lên những doanh nghiệp nhỏ, mà nó còn ảnh hưởng đến cả những thương hiệu lớn trong ngành. Trên sàn chứng khoán là sự lao đao của những đại gia kỳ cựu như ACL, LAF, BAS (đã hủy niêm yết), ngoài sàn chứng khoán là sự gục ngã của những tên tuổi lớn như Bình An, Phương Nam…

Cổ phiếu nông thủy sản xuất khẩu đã đến thời?

Thủy sản Phương Nam đã hồi sinh. Ảnh: VNE

Tuy nhiên, đi vào nửa cuối năm 2013, những tín hiệu tích cực dần dần hé lộ. Các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ đã trực tiếp hoặc gián tiếp đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời các nỗ lực tái cấu trúc của tự bản thân doanh nghiệp cũng bắt đầu chứng minh tính hiệu quả. Các đại gia Bình An, Phương Nam sau khi tái cấu trúc, giảm nợ ngân hàng, xử lý các khoản đầu tư không hợp lý đã bắt đầu hoạt động trở lại. Còn các doanh nghiệp niêm yết như LAF, ACL đã bắt đầu thoát khốn khó qua báo cáo lợi nhuận dương trong các quý gần đây.

Cùng với sự hứng khởi của thị trường chứng khoán hiện tại, cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành này cũng bắt đầu được chú ý, giá và thanh khoản được cải thiện nhanh chóng, đặc biệt có những cổ phiếu như LAF tăng rất mạnh mẽ trong 6 phiên giao dịch gần đây.

Vậy, liệu các nhà đầu tư có thể kỳ vọng một giai đoạn hồi phục và tăng giá xa hơn nữa của nhóm cổ phiếu này không? Xét ở góc độ đánh giá cơ bản của doanh nghiệp và ngành,  thiết nghĩ rằng nếu các doanh nghiệp có thể tiếp tục tận dụng những cơ hội do các chính sách hỗ trợ kinh tế mang lại thì cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp này có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong những tháng cuối năm:

1. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giữ ở mức thấp, chi phí tài chính giảm:

Tỷ lệ lạm phát nằm dưới mức thấp so với các năm trước, thấp hơn kế hoạch năm. Dòng tiền trong ngân hàng dồi dào trong khi các ngân hàng được VAMC tăng cường mua nợ xấu nên sức ép tăng lãi suất trong các tháng cuối năm sẽ không có nhiều. Song song đó, các doanh nghiệp hiện đang chú trọng xử lý hàng tồn kho, giảm nợ vay nên chi phí tài chính của các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản trong các tháng tới sẽ giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Cần lưu ý rằng xuất khẩu nông thủy sản là ngành chiến lược của nền kinh tế, nên các doanh nghiệp trong ngành có nhiều khả năng tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ ngân hàng và các quỹ phát triển.

2. Khả năng tỷ giá USD/VNĐ được điều chỉnh tăng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, giúp làm tăng doanh số và lợi nhuận:

Các tín hiệu từ phía quản lý nhà nước và cả thị trường cho thấy, khả năng tỷ giá USD/VNĐ được điều chỉnh tăng đang xuất hiện càng nhiều. Nếu tỷ giá USD/VNĐ thật sự được điều chỉnh tăng lên thì lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản sẽ được cải thiện đáng kể do doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành thường rất lớn.

3. Quy mô và mức giá phù hợp với dòng tiền trên thị trường chứng khoán:

Các doanh nghiệp trong ngành nông thủy sản có quy mô ở mức trung bình so với thị trường, và mức giá cổ phiếu cũng ở mức thấp, chưa tăng nhiều so với thị trường chung, tạo ra tâm lý an toàn cho các nhà đầu tư đi theo trường phái cơ bản. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp trở nên hấp dẫn tương đối so với các nhóm cổ phiếu khác trong điều kiện dòng tiền chung chưa cải thiện nhiều, mặc dù thị trường chứng khoán đã trở nên sôi động hơn.

Thiết nghĩ rằng các yếu tố trên đây sẽ giúp cho cổ phiếu của nhóm ngành xuất khẩu nông thủy sản thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư và dòng tiền trong thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014.

Nguyên Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phiếu nông thủy sản xuất khẩu đã đến thời?