Cần công ty đường mạnh

06/06/2014 13:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay của ngành mía đường, việc tái cấu trúc ngành, doanh nghiệp hợp tác với nhau là xu hướng sắp tới; trong đó giải pháp mua bán, sáp nhập (M&A) là con đường tất yếu.

Điều này sẽ là sự cộng hưởng để cùng phát triển không chỉ cho doanh nghiệp mà mang lại lợi ích lớn cho ngành đường Việt Nam.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay của ngành mía đường, việc tái cấu trúc ngành, doanh nghiệp hợp tác với nhau là xu hướng sắp tới; trong đó giải pháp mua bán, sáp nhập (M&A) là con đường tất yếu. Điều này sẽ là sự cộng hưởng để cùng phát triển không chỉ cho doanh nghiệp mà mang lại lợi ích lớn cho ngành đường Việt Nam.

Thách thức ngành đường phải đối mặt

Có thể thấy rằng ngành mía đường đang đối mặt với những thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và nông dân khi giá đường trên thị trường không được như kỳ vọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất, tác động tới chính sách thu mua nguyên liệu cho người trồng mía... Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2011 - 2012 giá đường dao động 18,000-19,000 đồng/kg, sang niên vụ 2012-2013 giá đường giảm xuống 14,500-15,000 đồng/kg và mức giá rơi xuống vùng 12,500-13,500 đồng/kg khi đến niên vụ 2013-2014…

Trước thực trạng đường tồn kho quá lớn với hơn 614,000 tấn, giá giảm mạnh, nhiều nhà máy có kết quả kinh doanh yếu kém, nhiều nông dân phải chuyển đổi cây trồng cho thấy ngành mía đường đang rơi vào giai đoạn thật sự khó khăn và nếu không có giải pháp cấp bách, hàng loạt nhà máy đường có thể phải ngưng sản xuất, đặc biệt là các nhà máy có công suất thấp dưới 4,000 TMN (tấn mía ngày). Bên cạnh đó, với ảnh hưởng từ đường Thái Lan nhập lậu được bán với giá thấp hơn giá đường trong nước từ 500-800 đồng/kg. Thống kê của VSSA cho thấy đường nhập lậu vào Việt Nam khoảng 400,000-500,000 tấn/năm, chiếm 30% tổng sản lượng đường sản xuất trong nước, khiến Nhà nước thất thu 600-650 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.

Trước bối cảnh như vậy, doanh nghiệp và người trồng mía phải tìm hướng đi, giải pháp tối ưu trong thời gian tới để tồn tại và từng bước phát triển.

M&A: Hướng đi mới cho ngành đường

Việc đẩy mạnh tái cấu trúc ngành, tái cấu trúc doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất (M&A) các doanh nghiệp ngành mía đường là xu thế trong bối cảnh hiện nay góp phần củng cố nội lực cho doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn nâng lên ở tầm khu vực. Hiện tại, mỗi công ty đường có từng thế mạnh khác nhau, có công ty nổi trội về thương hiệu, thị phần, có công ty chiếm ưu thế về công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, có công ty mạnh về vùng nguyên liệu, giá thành; để tạo thế cạnh tranh, đảm bảo năng lực kinh doanh là chưa đủ trong khi thị trường đang hướng tới là cần một doanh nghiệp đường hội đủ các yếu tố trên.

Vì thế “Cộng hưởng cùng phát triển” là xu thế, là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay không chỉ riêng đối với ngành mía đường, các doanh nghiệp liên kết, sáp nhập với nhau để trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh hơn về quy mô tài chính, năng lực kinh doanh cũng như nâng cao vị thế cạnh tranh mang đến cho nhà đầu tư và người tiêu dùng khai thác được hiệu quả.

Cần công ty đường mạnh

Tại sao hợp tác là tận dụng lợi thế?

M&A giữa các doanh nghiệp mía đường nhằm mục tiêu tận dụng được thế mạnh của các bên. Trước hết, sẽ giúp các doanh nghiệp mía đường mở rộng thị phần, giảm giá thành từ việc tiết kiệm chi phí (vận chuyển, nghiên cứu, phát triển, quản lý doanh nghiệp), sử dụng được nguồn lực nhân sự giỏi của nhau từ đó nâng cao được nội lực, sức mạnh tài chính để tạo ra các giá trị gia tăng cho khách hàng và nhà đầu tư.

Giá trị thương hiệu

Đối với doanh nghiệp thì những giá trị vô hình như sự cảm nhận, sự trung thành với thương hiệu của người tiêu dùng không chỉ mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận và doanh số mà còn xác định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, để xây dựng những giá trị vô hình đó doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí, chứng thực về chất lượng, uy tín của sản phẩm và cả tâm huyết của những nhà lãnh đạo. Khi M&A giữa một doanh nghiệp đã có những giá trị nhất định về thương hiệu với một doanh nghiệp đang trong quá trình khẳng định “tên tuổi” trên thị trường, điều đó sẽ tăng hiệu quả về thương hiệu mà tiết kiệm được thời gian, nguồn nhân lực với chi phí không phải nhỏ.

Lợi thế vùng nguyên liệu chủ động, dồi dào, giá rẻ

Vùng nguyên liệu của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc vào vị trí địa lý, thổ nhưỡng, cơ cấu cây trồng và đôi khi còn tác động bởi văn hoá địa phương. Vì thế không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ở gần vùng nguyên liệu hay tập trung được các vùng nguyên liệu để thực hiện “mô hình cánh đồng mẫu lớn”. Chính yếu tố này đã tạo nên một lợi thế cho doanh nghiệp. Thử hình dung, nếu một doanh nghiệp có uy tín thương hiệu lớn kết hợp với một doanh nghiệp có vùng nguyên liệu dồi dào, tập trung thì sẽ tạo nên một lợi thế cạnh tranh đáng kể.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp còn sử dụng được công nghệ sản xuất ưu việt của các bên để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao và đa dạng với giá thành sản xuất thấp, điều này giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn và tiết kiệm được chi tiêu. Khi quy mô doanh nghiệp lớn và nguồn vốn dồi dào, đồng thời các doanh nghiệp liên kết với nhau sẽ có được lợi thế để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nâng cao vị thế trong đàm phán, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Với nhà đầu tư, M&A giữa các doanh nghiệp mía đường sẽ tạo ra tính thanh khoản cao cho cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, làm thay đổi định kiến về cổ phiếu ngành đường là nhóm “cổ phiếu phòng thủ”.

Ngoài những lợi ích đối với doanh nghiệp nêu trên thì với tiềm lực vững mạnh của doanh nghiệp, người nông dân sẽ được quan tâm và hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như vốn, vật tư trồng mía, cho ứng trước, đảm bảo giá bán, thanh toán tiền bán mía ngay. Đặc biệt khi doanh nghiệp từng bước chủ động vùng nguyên liệu sẽ tạo công ăn việc làm cho một số lượng lớn người lao động trong vùng, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và an sinh xã hội tại địa phương.

Trước lộ trình Hiệp định AFTA đang đến gần thì việc cộng hưởng những giá trị của nhau là một cách để nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp ngành đường. Tuy nhiên, để làm được điều đó không phải đơn giản vì M&A đòi hỏi sự đồng thuận cao giữa các bên tham gia, trong đó các bên phải cùng nhìn thấy được triển vọng của thương vụ và luôn đòi hỏi sự tương đồng và cân bằng về năng lực quản lý, năng lực tài chính, văn hoá doanh nghiệp… để cùng chia sẻ trên tinh thần hợp tác cao nhất.

Phượng Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần công ty đường mạnh