Bốn thách thách thức cho ngân hàng nhà nước trong 2014

14/01/2014 13:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt được một số thành công trong chính sách tiền tệ năm qua. Tuy nhiên, năm 2014 vẫn sẽ có nhiều thách thức rất lớn đối với NHNN trong công tác điều hành chính sách tiền tệ và quản lý hệ thống ngân hàng.

Tái cấu trúc ngân hàng không dễ

Ngày 27/12, trước đại diện các ngân hàng tại TP.HCM trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu: “Hơn lúc nào hết các ngân hàng nhỏ vì lợi ích chung và riêng phải ngồi lại với nhau bàn cách sáp nhập". Điều đó cho thấy, NHNN đánh giá việc tái cấu trúc ngân hàng là hết sức cần thiết.

Thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa đủ mạnh, số lượng ngân hàng vẫn còn quá nhiều và trong đó có nhiều ngân hàng yếu kém, sức cạnh tranh yếu. Hoạt động của những ngân hàng này rất rủi ro và kém hiệu quả. Sự yếu kém này có thể lan ra toàn hệ thống nếu nó đổ vỡ. Trong năm vừa qua đã có một số ngân hàng buộc phải sáp nhập hoặc tự tái cấu trúc. Tuy nhiên, số lượng ngân hàng yếu kém vẫn còn nhiều và việc ổn định của hệ thống ngân hàng như hiện nay chỉ là “tạm thời”. Do vậy, nếu không tái cấu trúc ngân hàng, giảm tình trạng sở hữu chéo và hoạt động của các công ty “sân sau” thì hệ thống ngân hàng khó lành mạnh.

Tuy nhiên, việc tái cấu trúc này là một không dễ. Đây là vấn đề nhạy cảm do ảnh hưởng lớn đến những nhóm lợi ích và an toàn hệ thống. Do đó, đây là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thử thách của NHNN trong năm 2014 và những năm sắp tới.

Xử lý nợ xấu nhiệm vụ bất khả thi

Nợ xấu được xem là “cục máu đông” trong nền kinh tế. Vì vậy, song song với việc tái cấu trúc ngân hàng phải tiến hành quá trình xử lý nợ xấu. Việc VAMC mua lại hơn 30,000 tỷ đồng trong năm 2013 và dự kiến 100,000 đến 150,000 tỷ đồng trong năm 2014 mới chỉ là bước đầu quá trình xử lý nợ. Nợ xấu chỉ thật sự được xử lý khi nó biến mất khỏi nền kinh tế và tái sinh ở một hình thức khác. Chẳng hạn, việc xử lý tài sản đảm bảo, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tự trả được nợ, hoặc bán nợ cho các tổ chức nước ngoài. Lúc đó, nợ xấu mới thực sự được xử lý.

Con số nợ xấu được công bố một cách chính thức trong thời gian qua vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng nợ xấu. Theo các chuyên gia và tổ chức nếu nợ xấu được tính một cách đầy đủ có thể lên đến 15-20% tổng dư nợ.

Vào tháng 6/2014, Thông tư 02 có hiệu lực. Nếu NHNN không hoãn thời điểm hiệu lực hoặc không sửa chữa những nguyên tắc phân loại nợ xấu căn bản tại Thông tư này thì nợ xấu có thể tăng lên ít nhất 2-3 lần so với con số hiện nay. Lúc đó, nhiều ngân hàng sẽ có nợ xấu rất cao và nguy cơ phá sản sẽ rất lớn.

Việc xử lý nợ xấu là quá trình khó khăn phức tạp. Đặc biệt trong điều kiện của Việt Nam các điều kiện cho việc xử lý nợ xấu như cơ sở pháp lý, nguồn nhân lực, sự phát triển của thị trường tài chính và mức độ minh bạch thấp thì xử lý nợ xấu càng trở nên khó khăn.

Năm 2014, được xem là một năm bản lề đối trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, với điều kiện của Việt Nam hiện nay và nếu không có sự đột phá trong chính sách thì nhiệm vụ xử lý nợ xấu trong năm 2014 là bất khả thi.

Phối hợp chính sách tài khóa

Trong điều kiện thu ngân sách sụt giảm, Chính phủ lại buộc phải tăng chi tiêu để kích thích nền kinh tế. Thâm hụt ngân sách dự kiến trong năm 2014 khoảng 5.3%. Đây là mức khá cao. Điều này, đồng nghĩa với việc Chính phủ phải tăng cường vay tiền cho các hoạt động chi tiêu của mình. Số tiền Chính phủ vay thêm là từ phát hành trái phiếu cho NHTM và NHNN.

Nếu NHTM mua trái phiếu thì đem trái phiếu này đến chiết khấu để vay vốn từ NHNN. Cả hai trường hợp này thì tiền cũng sẽ được bơm ra nền kinh tế cùng với việc tăng thâm hụt ngân sách của Chính phủ. Như vậy, lượng tiền mà NHNN cung ứng ra trong năm 2014 cho Chính phủ sẽ tăng lên.

Thông thường việc Chính phủ tăng cường chi tiêu mà hiệu quả thấp sẽ dẫn đến rủi ro về bất ổn vĩ mô như lạm phát và tỷ giá tăng. Trong khi đó với vai trò là một NHTW, NHNN phải đảm bảo lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá ở mức cân bằng. Để đạt được điều này thì đây cũng sẽ là một thử thách không nhỏ đối với NHNN.

Chính sách tỷ giá

Trong suốt 3 năm qua tỷ giá đã luôn giữ ở mức khá ổn định, trong khi đó lạm phát của Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác. Do vậy, tỷ giá hối đoái thực của VND tăng cao so với đồng USD và các đồng tiền khác. Điều này đã làm giảm bớt sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Như vậy, NHNN đang chịu áp lực giảm giá đồng tiền để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa.

Tuy nhiên, khác với những năm trước, áp lực phá giá “tự nhiên luôn rất lớn”, do cầu ngoại tệ trong nước lớn, trong khi đó vài năm gần đây áp lực phá giá không nhiều. Nguyên nhân, Việt Nam gần như không nhập siêu do tiêu dùng và đầu tư trong nước suy giảm, trong khi đó, lượng ngoại tệ đổ vào vẫn rất lớn làm cho ngoại tệ trong nước dư thừa. Bên cạnh đó, tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm.

Năm 2014, với tình trạng kinh tế vĩ mô hiện nay thì rất nhiều khả năng Việt Nam tiếp tục thặng dư cán cân thanh toán. Điều này đồng nghĩa với nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn lớn hơn cầu, cùng với dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang khá lớn, như vậy tỷ giá năm 2014 sẽ tiếp tục không có nhiều biến động. Tuy nhiên, vấn đề này gây “bất an” cho NHNN trong việc điều hành tỷ giá vì phải đau đầu trong việc “cân nhắc” giảm giá tiền đồng để phục vụ xuất khẩu hay để cho đồng nội tệ lên giá.

Huỳnh Bá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bốn thách thách thức cho ngân hàng nhà nước trong 2014