Thị trường bất động sản - nhiều tín hiệu khả quan

21/09/2012 09:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với việc tăng cường quản lý của Chính phủ, nỗ lực của các doanh nghiệp và ngân hàng, thị trường bất động sản được đánh giá là đã có nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, để thị trường thực sự sôi động trở lại, cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa.

Tăng cường quản lý

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Thời gian qua, thị trường bất động sản bộc lộ sự phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. Hậu quả dẫn đến thực trạng là dư nợ tín dụng bất động tăng nhanh (năm 2009 tăng 36% so với năm 2008, năm 2010 tăng 24% so với cùng kỳ năm 2009) và hiện nay là tình trạng giảm giá bất động sản xuất hiện ở tất cả các phân khúc của thị trường, số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch trong suốt cả năm qua....


Trong khi đó, việc phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng hoặc dựa vào nguồn vốn huy động của khách hàng để triển khai dự án là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu tiền triển khai dự án, bị thua lỗ và mất khả năng trả nợ. Tác động trực tiếp không chỉ là khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, đến thị trường bất động sản mà còn là sự mất thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và thi công xây lắp. Tình hình tồn kho và một số công ty bị phá sản sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách và phát triển kinh tế.

Thị trường bất động sản - nhiều tín hiệu khả quan

Để thị trường sôi động trở lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đã tăng cường quản lý thị trường bất động sản theo hướng tái cơ cấu hàng hoá cho phù hợp với thị trường cả về số lượng và chủng loại. Kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường chống đầu cơ, chống gây sốc, chống đóng băng...

Cùng với đó, các ngân hàng cũng ưu tiên cho vay các dự án có khả năng thanh khoản cao, hạn chế cho vay dự án cao cấp, giảm tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản, tạo hành lang pháp lý hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản để tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường. Tập trung phát triển mạnh nhà cho thuê, đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm như nhà cho công nhân, sinh viên, nhà ở cho người nghèo… Ngoài ra, tăng cường công tác thanh kiểm tra nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật về trình tự thủ tục đầu tư, tiến độ, huy động vốn, kết nối hạ tầng kỹ thuật của thị trường bất động sản tránh lãng phí và gây mất mỹ quan đô thị cũng đã tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Những nguồn “năng lượng” cho thị trường

Ông Phan Thành Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) đánh giá: Bất động sản Việt Nam đang có những khuynh hướng nguồn vốn tích cực cho thị trường. Thứ nhất là nguồn vốn Chính phủ cho phép sử dụng 30.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương kế hoạch 2013 và vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2013-2015 trong năm 2012 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích thích tăng tổng cầu.

Thứ hai là nguồn vốn từ các ngân hàng có lãi suất cho vay tiếp tục hạ. Báo cáo của 69 tổ chức tín dụng thì có 71% các khoản vay cũ được hưởng mức lãi suất 15% và các khoản vay mới có mức lãi suất từ 10-13-15%/năm (giảm 60% so với tỷ lệ vay trước ngày 15-7-2012). Tiếp theo là nguồn vốn từ các quỹ nhà ở kích thích nguồn cầu do Bộ Xây dựng chủ trì và các quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản (theo hướng dẫn của Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Thông tư 183/2011). Đây sẽ là các quỹ được quản lý bởi sự chủ động, linh hoạt trong thiết kế, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Đồng thời các quỹ này cũng thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân vào đầu tư bất động sản.

Hiện đã có nhiều ngân hàng triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với cho vay bất động sản. Cụ thể, tính từ tháng 4-2012 đến nay, các ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank) đã công bố các gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực bất động sản lên đến 20.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), một trong những ngân hàng có nhiều gói tín dụng ưu đãi đối với cho vay bất động sản cũng cho biết: Từ ngày 22-8-2012, với mục đích hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và cá nhân sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn, Vietinbank đã triển khai đồng thời gói vay 10.000 tỷ cho doanh nghiệp với lãi suất 8,95% và gói tín dụng 5.000 tỷ áp dụng cho các lĩnh vực như công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ... với lãi suất từ 10,99%/năm. Đối với các dự án ký hợp đồng liên kết, nhằm hỗ trợ chủ đầu tư bất động sản trong vấn đề tìm đầu ra, Vietinbank đã có các chính sách ưu đãi hướng tới người tiêu dùng bất động sản bằng việc ưu đãi lãi suất khi mua nhà dự án.

Để giúp doanh nghiệp có thể khắc phục khó khăn ngoài các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành kiến nghị: Cần cho phép xây dựng và công nhận căn hộ chung cư diện tích nhỏ cho phù hợp với nhu cầu tài chính của người dân. Với loại hình căn hộ diện tích nhỏ này có thể thực hiện theo phương thức thương mại (30m2/2 người), tận dụng ưu thế có đất và chính sách ưu đãi, nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia.

Bảo Nam
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản - nhiều tín hiệu khả quan