Chính sách thuê đất thay đổi, doanh nghiệp bị đẩy vào đường cùng

Lê Thuận - Trần Linh| 25/05/2018 10:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bỏ ra biết bao công sức, tiền bạc để thuê đất, đầu tư nhằm phát triển kinh tế, du lịch tại đảo Điệp Sơn.Thế nhưng, tình trạng thay đổi thường xuyên quy định, chính sách của chính quyền đang đẩy các doanh nghiệp vào đường cùng, buộc phải ngưng hoạt động.

Chính sách chồng chéo, thay đổi chóng mặt

Đảo Điệp Sơn nằm trong quần thể Bắc Vân Phong, được đề xuất thành lập đặc khu hành chính kinh tế. Với chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia để phát triển đặc khu kinh tế, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép, chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh lập phương án quản lý, khai thác du lịch Điệp Sơn theo hướng cho tổ chức doanh nghiệp thuê.

Vào ngày 1/7/2016, UBND xã Vạn Thạnh ký hợp đồng (số 05/HĐ-UBND) cho bà Đào Thị Long, đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Nha Trang Đông Đô (gọi tắt là Công ty Đông Đô)  thuê gần 5.000 m2 đất tại Hòn Quạ và Hòn Ó để khai thác du lịch. Thời hạn thuê đất 3 năm, đến ngày 1/7/2019.

Thế nhưng, trong khi hợp đồng số 05/HĐ-UBND thực hiện mới chưa đầy một năm, UBND xã Vạn Thạnh đã tiến hành thanh lý hợp đồng với phía công ty Đông Đô. Sau đó, hai bên đã ký hợp đồng thuê đất số 04/HĐ-UBND vào ngày 29/06/2018.

Chính sách thuê đất thay đổi, doanh nghiệp bị đẩy vào đường cùng

 Hợp đồng thuê đất số 04/HĐ-UBND ngày 29/06/2017.

Cụ thể, UBND xã Vạn Thạnh đã cho Công ty Đông Đô thuê mặt bằng hơn 5000m2 (Bao gồm đất đồi dốc và diện tích mặt nước ) để kinh doanh dịch vụ du lịch tại nam Hòn Quạ và bắc Hòn Ó thời hạn 5 năm (tính từ ngày 1/7/2017 đến ngày 1/7/2022).

Tuy nhiên, ngày 15/9/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản số 8439/UBND-KT, yêu cầu UBND huyện Vạn Ninh không để các phương tiện thủy đón, trả  khách, xếp dỡ hàng hóa tại những bến thủy nội địa không được cấp giấy phép; chủ trì phố hợp với các ban ngành tìm vị trí để xây dựng bến thủy nội địa dùng chung cho cả khu vực Điệp Sơn.

Chưa đầy một tháng sau, UBND tỉnh Khánh Hòa lại ban hành thông báo số 729/TB-UBND vào ngày 27/10/2017 chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh điều chỉnh phương án tạm thời về  phối hợp quản lý, khai thác du lịch tại Điệp Sơn.

Tại thông báo số 729/TB-UBND, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa có ý kiến cụ thể: “Chỉ  sử dụng cầu đò dân sinh hiện có để vận chuyển khách du lịch, không cho thuê mặt bằng để làm cầu đò thứ hai”. Trong đó, thông báo còn lưu ý chỉ thực hiện hợp đồng cho thuê đất theo thời hạn hàng năm, thay vì 5 năm. Giao UBND xã Vạn Thạnh lập biên bản đình chỉ hoạt bến tạm thủy nội địa của Công ty Đông Đô và chỉ được sử dụng cầu đò dân sinh hiện có ở Điệp Sơn để vận chuyển khách du lịch, không cho thuê mặt bằng để làm cầu đò thứ hai, yêu cầu Công ty Đông Đô cam kết không kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Quyết định này của UBND tinh Khánh Hòa đang gây nhiều tranh cãi. Bởi lẽ, doanh nghiệp đã được chấp thuận thuê đất và mặt biển để đầu tư làm du lịch, có hợp đồng thuê đất hợp pháp để khai thác du lịch trên đảo biệt lập nhưng lại không được phép lập bến. Bên cạnh đó, nếu  khách du lịch đến mà không thể lưu trú, dịch vụ không đảm bảo thì làm sao giữ và thu hút được khách du lịch, cũng như việc điều chỉnh hợp đồng thuê đất theo từng năm, đối với doanh nghiệp làm du lịch thì quả thật rủi ro cao.

Doanh nghiệp khó hoạt động

Trước đây, thôn Điệp Sơn là 1 trong những thôn nghèo nhất tỉnh Khánh Hòa. Không có điện lưới, nước sạch, đi lại rất khó khăn, các sản phẩm du lịch nghèo nàn. Hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh, từ năm 2016 Công ty Đông Đô đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng, tổ chức thu gom, xử lý hàng trăm tấn rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường và tiến hành xây dựng bến thủy nội địa tại khu vực Bắc Hòn Ó nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như hoạt động đưa đón khách du lịch.

Chính sách thuê đất thay đổi, doanh nghiệp bị đẩy vào đường cùng

Con đường giữa biển dài khoảng 800m nối liền Hòn Bịp, Hòn Ó và Hòn Quạ ở đảo Điệp Sơn

Theo bà Đào Thị Long: “Trong khi, bắt đầu chính thức khai thác du lịch vào tháng 9/2017 thì khoảng cuối tháng 10, thông báo báo số 729/TB-UBND của Tỉnh chỉ đạo đình chỉ, không cho sử dụng bến tạm vào khu du lịch, bắt đón trả khách tại bến đò dân sinh Hòn bịp thôn Điệp Sơn chẳng khác nào cấm chúng tôi thuê đất, việc đầu tư khai thác du lịch bị cô lập hoàn toàn”.

Về chủ trương này, tại văn bản số 760/SGTVT, ngày 28/3/2018, Sở Giao Thông Vận Tải (sở GTVT) đã tổng hợp lấy ý kiến các sở, ngành liên quan và huyện Vạn Ninh tại một cuộc họp liên ngành do Sở này chủ trì, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa. Sau khi khảo sát thực địa, các sở, ngành hữu quan thống nhất nhận định, không thể di chuyển bằng đường bộ từ bến thủy nội địa Điệp Sơn đến địa điểm du lịch tại Hòn Quạ. Vì vậy, việc bố trí một bến thủy dùng chung tại khu vực Điệp Sơn là không khả thi.

Đại diện Sở GTVT Khánh Hòa cũng nhấn mạnh: “Nếu không cho phép làm thêm bến thủy nội địa thứ hai, thì buộc phải chấm dứt việc thuê đất, chấm dứt khai thác hoạt động du lịch của Công ty Nha Trang Đông Đô tại Hòn Ó, Hòn Quạ”.

Báo cáo của sở GTVT là hợp tình, hợp lý vì mặc dù cũng thuộc thôn Điệp Sơn nhưng Hòn Ó, Hòn  Quạ gần như nằm biệt lập với Hòn Bịp và chỉ lưu thông được trong khoảng thời gian thủy triều xuống, còn khi thủy triều lên mực nước cao từ 2m2 đến 2m6 thì không thể bắt du khách và người dân đi được.

Đặc biệt, sau cơn bão số 12 năm 2017,  con đường cát nối Hòn Bịp với Hòn Quạ bị xói sâu hàng mét trơ ra toàn đá và bùn, thủy triều xuống cũng không qua lại được. Do vậy, nếu chỉ cho khai thác chung bến dân sinh hiện hữu tại Hòn Bịp thì xem như doanh nghiệp… hết đường làm ăn.

Ngoài ra, nếu việc thu hồi đất để đầu tư kinh doanh, nuôi trồng hay cho 1 tổ chức cá nhân nào thuê thì bản thân Công ty Đông Đô nên được ưu tiên thuê tiếp và làm dự án đúng theo chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện đúng các quy định pháp luật về đất đai hiện hành và phối hợp cùng với địa phương quản lý hiệu quả trên tinh thần xã hội hóa.

Một vấn đề khác khiến dư luận quan tâm là việc doanh nghiệp đầu tư làm du lịch tuân thủ pháp luật nhưng lại chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những cơ chế, chính sách chồng chéo, thiếu sự thống nhất, đồng bộ. Điều này phần nào đã tạo kẽ hở hình thành “nhóm lợi ích” lợi dụng, tùy tiện gây phiền hà cho doanh nghiệp đầu tư.

Phải chăng tình trạng thay đổi thường xuyên quyết định, chính sách là để thúc đẩy khuyến khích đầu tư nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hay là để có cơ sở cấm đoán, điều chỉnh hợp đồng, thu hồi đất, gây sức ép đối với doanh nghiệp?.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách thuê đất thay đổi, doanh nghiệp bị đẩy vào đường cùng