Bình Dương phát triển nhờ chính sách di dời nhà xưởng vào khu công nghiệp

Thanh Cần| 20/06/2020 12:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ồn… của các công ty, nhà máy trong khu dân cư ở Bình Dương, khiến người dân bất an, phản ảnh đến cơ quan chức năng.Tỉnh Bình Dương đã thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư.

Chi hàng trăm tỷ đồng di dời nhà xưởng

Theo đó, vào năm 2010 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư, đô thị trên địa bàn. Sau đó, một loạt các nhà xưởng trong khu dân cư được di dời đến khu, cụm công nghiệp.

Theo đánh giá, việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các DN sản xuất vào các khu - cụm công nghiệp quy mô lớn không chỉ tránh gây ô nhiễm, tiếng ồn, cháy nổ trong khu dân cư mà còn góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị tại 5 khu vực phát triển đô thị quan trọng nhất của Bình Dương, gồm: TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An (nay là TP Thuận An), TX.Dĩ An (nay là TP Dĩ An), TX.Tân Uyên và TX Bến Cát theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại.

Bình Dương phát triển nhờ chính sách di dời nhà xưởng vào khu công nghiệp

 Các khu đất trước đây là xí nghiệp cũ, ô nhiễm nay trở thành các khu dân cư sầm uất

Mới đây nhất, vào tháng 7/2019 UBND tỉnh Bình Dương trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị với mức chi lên đến gần 300 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ tập trung vào 2 nhóm đối tượng gồm: hỗ trợ một lần đối với nhóm cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề hoạt động tại địa điểm cũ, với mức chi 500.000 đồng/m2 nhà xưởng xây dựng hợp pháp (không quá 1 tỷ đồng cho 1 cơ sở); nhóm thứ hai là hỗ trợ đối với cơ sở di dời vào trong khu, cụm công nghiệp bằng tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới, chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị và lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới.

Ở cả 2 nhóm trên, người lao động trong các doanh nghiệp thuộc diện di dời được hỗ trợ bằng 3 tháng tiền lương cơ bản nếu đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên. Bình Dương hiện đang có khoảng 150 cơ sở phải thực hiện di dời vào các khu, cụm công nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung ở TP Thuận An, TP Dĩ An, TX Bến Cát và TX Tân Uyên với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, giấy.

Biến khu đất ô nhiễm thành đô thị sầm uất

Vào thời điểm di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, người dân Bình Dương với những băn khoăn không biết các khu đất trên sẽ được sử dụng để làm gì, có thoát được cảnh môi trường sống bị ô nhiễm hay không?. Và rồi, người dân vui mừng khi những khu đất “ám ảnh” một thời đã được Bình Dương kêu gọi đầu tư thành chung cư, nhà phố. Theo đó, giá trị đất tăng, đời sống người dân được nâng lên đáng kể.

Công ty Bất động sản Phú Hồng Thịnh, cái tên được người dân biết đến là doanh nghiệp biến những khu đất ô nhiễm thành khu dân cư sầm uất, hiện đại. Lúc bấy giờ, nắm bắt được tâm tư của địa phương lại có tiềm lực tài chính Phú Hồng Thịnh mạnh dạn xin chủ trương mua lại các cơ sở sản xuất, nhà xưởng để biến nơi ám ảnh của người dân thành điểm mơ ước.

Bình Dương phát triển nhờ chính sách di dời nhà xưởng vào khu công nghiệp

 Bình Dương đang triển khai kế hoạch di dời các DN nằm ngoài khu-cụm công nghiệp nhằm phục vụ chỉnh trang đô thị, kiểm soát các nguồn phát thải ô nhiễm trên địa bàn.

Lãnh đạo Công ty Phú Hồng Thịnh từng giải bày về hành động đầu tư “mạo hiểm” này, rằng để mua lại những khu đất nhà xưởng phải bỏ chi phí rất cao. Trong khi đó, việc đầu tư vào lĩnh vực trên lại chưa có trong tiền lệ để đánh giá, rút kinh nghiệm khi bắt tay vào thực hiện.
 
Nhưng với mong muốn vừa gỡ rối cho doanh nghiệp, vừa góp phần vào việc cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị nên công ty mới mạnh dạn bắt tay đầu tư. Tất cả quỹ đất cho các dự án của Phú Hồng Thịnh như Phú Hồng Thịnh 6, 7, 8, 9 và 10 là các dự án Phú Hồng Thịnh mua lại đất hợp pháp, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất trước khi tiến hành làm các dự án khu dân cư.

Đối với các khu đất di dời nhà xưởng mà doanh nghiệp mua lại không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật đất đai 2013. Ngoài ra, các khu đất trước khi dời nhà xưởng được UBND tỉnh Bình Dương quy hoạch đất ở tại đô thị.

Có thể nói, nhờ chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh Bình Dương trong việc di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư và việc doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng khu dân cư đã tạo nên một đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại. Hình ảnh các nhà máy cũ, ống khói xám xịt, đường dân cư bị băm nát bởi xe tải ra vào nhà xưởng… đã không còn, mà thay vào đó là những tòa nhà cao ốc, nhà phố khang trang.

Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đang rà soát và có kế hoạch di dời các công ty, xí nghiệp nằm trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp. Việc làm này không chỉ tránh được sự nguy hiểm cho người dân trong trường hợp doanh nghiệp xảy ra cháy mà giúp đơn vị quản lý dễ dàng hơn.

Hiện, Bình Dương còn khoảng 1.000 DN sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu - cụm công nghiệp, chưa phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp. Bình Dương đang triển khai kế hoạch di dời các DN nằm ngoài khu-cụm công nghiệp nhằm phục vụ chỉnh trang đô thị, kiểm soát các nguồn phát thải ô nhiễm trên địa bàn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương phát triển nhờ chính sách di dời nhà xưởng vào khu công nghiệp