BĐS năm 2017: Nhà ở tầm trung dẫn đầu thị trường

Mạnh Nguyễn| 10/12/2017 10:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2017, phân khúc trung cấp và bình dân dẫn đầu thị trường về tỉ lệ hấp thụ và thị trường bất động sản (BĐS) đang được đánh giá là phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng tới nhu cầu thực của khách hàng.

Năm 2017, nhà ở hạng sang và cao cấp không còn chiếm thế "thượng phong" trong nguồn cung như trong năm 2016. Tính đến tháng 10/2017, chỉ có khoảng 102 căn hộ hạng sang được chào bán, giảm đến 95% so với cùng thời điểm 2016. 

Với 5.206 căn hộ mới được tung ra, phân khúc cao cấp giảm 23% so với cùng kỳ. Không chỉ sụt giảm về nguồn cung, hai phân khúc này còn sụt giảm mạnh về giao dịch. Tính đến tháng 10, tổng lượng giao dịch toàn thị trường của phân khúc hạng sang chỉ khoảng 473 căn, giảm 58% so với cùng kỳ. Phân khúc cao cấp là 5.390 căn, giảm 25%.

BĐS năm 2017: Nhà ở tầm trung dẫn đầu thị trường

Ảnh minh họa

Trái ngược với hai phân khúc trên, phân khúc trung cấp và bình dân lại dẫn đầu thị trường về tỉ lệ hấp thụ. Cụ thể, ở phân khúc trung cấp, có khoảng 13.170 căn hộ chào bán thành công, tăng 25% so với năm 2016. Phân khúc bình dân là 4.595 căn bán ra, tăng 6,5%.

Dù nguồn cung và tỉ lệ hấp thụ của phân khúc bình dân tăng nhưng con số này vẫn quá ít ỏi so với nhu cầu 81.000 căn hộ giá rẻ giai đoạn 2016-2020 (số liệu khảo sát của Sở Xây dựng và Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh). 

Tại Hội thảo "Thị trường Bất động sản Việt Nam 2017 - 2018: Toàn cảnh & Dự báo", ông Phạm Thành Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group cho rằng xu hướng phát triển sắp tới chính là phát triển các khu đô thị mới thay thế nhà lẻ, nhà phố, các loại hình này sẽ có những hạn chế nhiều hơn trước. Xu hướng nhà ở gắn liền với tất cả các nhu cầu của con người về sinh hoạt và làm việc, giáo dục trong cùng một khu vực sẽ phát triển, nhu cầu hình thành các tiểu đô thị gói gọn tất cả nhu cầu của người dân sẽ tăng cao.

Ông Phạm Thành Hưng cũng cho biết, trong năm 2018, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ, đây sẽ là tiền đề cho việc các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam, điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển bất động sản, do tính thanh khoản cao, lợi nhuận lớn nên đây cũng là tiền kề cho chu kỳ 10 năm phát triển của bất động sản.

Tham dự hội thảo, Tiến sĩ kinh tế Cấn Văn Lực cũng đưa ra những con số khả quan về thị trường BĐS 2017. Đó là  số doanh nghiệp về bất động sản tăng mạnh. Riêng tháng 11/2017, có 4.500 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới (tăng 60% về số doanh nghiệp và số vốn, tăng 18,6% về lao động). Quy mô vốn cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 20 tỷ VND/doanh nghiệp lên đến 69 tỷ VND/doanh nghiệp trong năm 2017. Kết quả kinh doanh cũng khả quan khi hết tháng 9/2017, số doanh nghiệp bất động sản niêm yết có doanh thu tăng 40%, lợi nhuận tăng 6%.

Trong khi đó, ông Chow Chee Fan, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam thì cho rằng trong 5 năm tới, với tăng trưởng GDP lớn hơn 6%, tất yếu sẽ dẫn đến sự tăng trưởng về thu nhập và gia tăng của tầng lớp trung lưu, người giàu tại Việt Nam. Đặc biệt, tầng lớp cư dân đô thị tại Việt Nam đã tăng từ 28% năm 2015 lên tới 35% năm 2017. Đây sẽ là một nguồn cầu lớn cho thị trường bất động sản tại các thành phố lớn.

Trước đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ Xây dựng đang xây dựng đề án đánh giá thị trường, dự báo xu hướng trung hạn và đề xuất các giải pháp cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh trình Chính phủ. Và theo dự báo của các cơ quan chức năng, thị trường nhà ở trong ngắn hạn sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên một số phân khúc sản phẩm (đất nền, căn hộ có quy mô vừa và nhỏ...) có thể có sự thay đổi nhất định về giá cả tại một số khu vực, địa phương; thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục pháp triển.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BĐS năm 2017: Nhà ở tầm trung dẫn đầu thị trường