Bất động sản - nhìn từ một “siêu dự án”

08/08/2012 09:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vào tháng 12-2007, Công ty Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đã chính thức được UBND Tp. Hà Nội cấp giấy phép triển khai dự án Công viên Yên Sở - một trong hai dự án được DN này thực hiện theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”.

Mục đích nhằm phục vụ cho việc triển khai xây dựng khu đô thị Gamuda City ngay bên cạnh công viên. Với quy mô rộng trên 500ha và được phát triển theo mô hình “thành phố thu nhỏ”, Gamuda City được xây dựng với mục tiêu sẽ trở thành khu đô thị tầm cỡ thế giới đầu tiên tại Hà Nội, với 2 khu dân cư, khu công viên vui chơi, giải trí và một trung tâm thương mại cao cấp.

Bất động sản - nhìn từ một “siêu dự án”

 

Phối cảnh tổng thể dự án Gamuda City. Ảnh: Nguồn internet

 

Dự kiến, dự án Gamuda City phải đến 2019 mới hoàn thành.  Có ý kiến cho rằng, với một dự án bất động sản kéo dài trong gần 10 năm là quá dài và khó có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư, khách hàng. Do đó, hàng loạt nhà đầu tư đã trót mua hoặc đặt cọc tiền tại dự án Gamuda City đang rao bán lại trên mạng internet để “cắt lỗ”, thoát khỏi dự án. Thực tế, sau gần 1 năm nhận giấy phép xây khu đô thị, đến thời điểm này, phần lớn diện tích của hạng mục này vẫn chỉ là những bãi cỏ xanh.

 

Phát biểu với báo chí, Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam, ông Cheong Ho Kuan, cho hay tổng vốn đầu tư tại Việt Nam được phê duyệt vào khoảng trên 3 tỷ USD. Hiện DN này đã giải ngân khoảng 300 triệu USD, song phần lớn là cho hai công trình công viên và nhà máy xử lý nước thải. Số vốn cho khu đô thị dường như vẫn chưa đáng kể. “Những khó khăn tạm thời của thị trường bất động sản không thể quật ngã được Gamuda”, ông Cheong nói.

 

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng việc DN này bỏ 200 triệu USD đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Sở cho thấy ý định đầu tư dài hơi và nghiêm túc của mình. Dự án Gamuda là dự án lớn, cả về quy mô lẫn vốn đầu tư, và được chia ra làm nhiều giai đoạn thực hiện, nên thời gian thực hiện dự án lên tới 10 năm là điều rất bình thường. 

 

Có ý kiến so sánh với cách làm ăn của nhà đầu tư/đầu cơ trong nước, quen cách kinh doanh chụp giật, bầy đàn, thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hạn nên lúc thị trường sốt nóng thì “tạo sóng” cứ như “đổ thêm dầu vào lửa”, lúc thị trường đi xuống thì theo nhau chạy hòng “thoát thân”. Đấy là nguyên nhân cốt lõi tạo nên những bất ổn trên thị trường. 

 

Vì vậy, những gì mà chủ đầu tư dự án Gamuda City đang làm chứng tỏ họ rất chuyên nghiệp và bài bản. Đây mới là yếu tố dẫn đến thành công và phát triển bền vững. 

 

Trung Nguyễn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản - nhìn từ một “siêu dự án”