Kiểm toán phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Mai Thoa| 17/12/2019 19:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 17/12, UBTVQH cho ý kiến về chủ trương xây dựng Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Kiểm toán ngân sách 2 năm/lần

Trình bày Tờ trình dự thảo Chiến lược Kiểm toán Nhà nước (KTNN) giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết sẽ phát triển tổ chức bộ máy của KTNN theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước;

Xây dựng đội ngũ công chức KTNN tinh gọn, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và có cơ cấu hợp lý.

Nguồn nhân lực của KTNN ổn định từ 2.600-2.700 người, trong đó mỗi KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực khoảng 100-110 người; sắp xếp bố trí, sử dụng đội ngũ dựa trên Đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và yêu cầu công việc thực tế;

KTNN sẽ thực hiện kiểm toán tối thiểu 02 năm/lần đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường, kiểm toán trách nhiệm kinh tế người đứng đầu, kiểm toán những nội dung vì sự phát triển bền vững của đất nước đạt tỷ lệ khoảng 30% đến 40% số lượng các cuộc kiểm toán hàng năm.

Kiểm toán phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Đặc biệt, KTNN sẽ hoàn thiện môi trường làm việc điện tử theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, tinh giản các quy trình hoạt động nội bộ; cung cấp khả năng chỉ đạo điều hành và tra cứu thông tin trên thiết bị di động, ứng dụng văn phòng không giấy tờ…

Giai đoạn 2030 đến năm 2035  sẽ hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN được quy định trong Hiến pháp, sửa đổi, bổ sung Luật KTNN phù hợp bối cảnh và xu hướng mới; phát triển bộ máy của KTNN theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hoạt động hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ cao;…

Thẩm tra Dự thảo Chiến lược,  Ủy ban TCNS nhận thấy, KTNN chưa có đánh giá, tổng kết cụ thể việc thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 theo Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12. KTNN mới đánh giá theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược nên chưa bảo đảm toàn diện theo Chiến lược đã ban hành.

Dự thảo Chiến lược cần bổ sung mục đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, nêu rõ mục tiêu đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thực hiện tiếp ở giai đoạn 2021-2030; bổ sung phụ lục giải thích rõ các nội dung tiếp thu, không tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cũng chỉ ra, trong báo cáo đánh giá về thực trạng hoạt động của KTNN và những hạn chế thách thức của Dự thảo Báo cáo chiến lược đã đề cập tới một số hạn chế thách thức và nguyên nhân khá rõ ràng, nhưng trong dự thảo Chiến lược giai đoạn 2020-2030 lại chưa  nêu rõ  mục tiêu và giải pháp để giải quyết triệt để các hạn chế đó.

Dự thảo có nêu hàng năm KTNN mới kiểm toán số lượng hạn chế ngân sách các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức kinh tế của Nhà nước trong khi Luật NSNN yêu cầu các đơn vị này phải được kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm nhưng trong phần mục tiêu KTNN lại đặt ra mục tiêu kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần đối với các đơn vị này là chưa logic.

Phải minh bạch, công khai

Ủy ban TCNS cũng nhận định: Với yêu cầu nhiệm vụ cấp bách trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí trong giai đoạn hiện nay thì kết quả kiểm toán phải được kịp thời công khai, minh bạch trước công chúng. KTNN phải cung cấp thông tin ngày càng toàn diện cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan chức năng và xã hội, người dân.

Tuy nhiên, mục tiêu của Chiến lược mới chỉ dừng lại ở việc kiện toàn và nâng cao bộ máy của KTNN, ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán mà chưa đề cập đến mục tiêu cung cấp, công khai toàn diện kết quả kiểm toán để đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan nhà nước và nhu cầu tiếp cận thông tin phục vụ giám sát của xã hội, người dân.

Kiểm toán phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Toàn cảnh cuộc họp.

Việc đưa ra mục tiêu thực hiện kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần đối với quyết toán NSNN các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là chưa bám sát với quy định của Luật và bối cảnh hiện tại. Theo Điều 71 của Luật NSNN năm 2015 quy định “KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trước khi gửi HĐND tỉnh xem xét, phê chuẩn”, điều đó có nghĩa là KTNN cần phải tăng cường và tiến tới kiểm toán thường xuyên Báo cáo quyết toán của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện tốt quy định trên, bảo đảm đánh giá, xác nhận số liệu quyết toán trước khi phê chuẩn.

Đồng thời, hàng năm KTNN mới kiểm toán được một phần ngân sách các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt là việc kiểm toán quyết toán ngân sách cấp huyện, cấp xã và các đơn vị dự toán cấp dưới còn khá hạn chế.

Dự thảo Chiến lược cần đề cập đến các nội dung để đáp ứng yêu cầu của Luật KTNN, Luật sửa đổi một số điều của Luật KTNN, đặc biệt là tính chính xác, đúng đắn của các kết luận, kiến nghị kiểm toán trong điều kiện bổ sung quyền khiếu nại, khởi kiện cho đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; việc tăng cường kiểm soát để phòng, chống tham nhũng trong cơ quan KTNN; việc hoàn thiện hạ tầng CNTT để cung cấp thông tin và công khai kết quả kiểm toán; việc cung cấp thông tin để tổ chức các phiên giải trình về kết quả kiểm toán. 

Dự thảo Chiến lược đề cập đến mục tiêu “tăng cường hoạt động tiền kiểm đối với dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chủ trương, chính sách lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia.  Ủy ban TCNS nhận thấy, các nhiệm vụ này cùng với việc trình ý kiến về dự toán đã được nêu rõ tại Khoản 4 Điều 10 Luật KTNN năm 2015.

Tuy nhiên, KTNN chưa thực hiện được nhiệm vụ này và chất lượng ý kiến về dự toán NSNN của KTNN còn hạn chế. Việc hình thành ý kiến về dự toán chưa thực sự là hoạt động kiểm toán theo đúng nghĩa. Vì vậy, cần sửa cụm từ “tăng cường hoạt động tiền kiểm” thành “thực hiện hoạt động tiền kiểm” để làm rõ mục tiêu và bổ sung giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Qua thảo luận, các đại biểu đồng ý với ý kiến của Ủy ban TCNS là giao KTNN tiếp tục nghiên cứu, bổ sung dự thảo Chiến lược bảo đảm hợp lý, đầy đủ, toàn diện, khả thi và cập nhật ý kiến của cấp có thẩm quyền về tổ chức, biên chế, số lượng cấp phó tối đa... để hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2020.

Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết:  Để hoàn thiện Chiến lược, KTNN cần tập trung vào vấn đề liên quan đến hiệu quả, chất lượng, minh bạch và hội nhập quốc tế.

Đề nghị KTNN tiếp tục cập nhật tinh thần dự thảo nghị quyết của Đại hội Đảng XIII, tinh thần là đối chiếu với các chiến lược, nghị quyết, chủ trương của Đảng liên quan đến sắp xếp bộ máy tổ chức để hoàn thiện dự thảo Chiến lược này.

Trên tinh thần đó cần tiếp thu ý  kiến của UBTVQH, của Ủy ban TCNS, cập nhật tình  hình và hoàn thiện toàn bộ Chiến lược này và trình UBTVQH xem xét và phê duyệt vào thời điểm thích hợp, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm toán phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí