Không thể nhận đơn rồi “kính chuyển”

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 23-8, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về việc tiếp thu chỉnh lý Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Theo đó, cơ bản nội dung của luật đã khắc phục được những vướng mắc hiện tại nhưng vẫn còn có những ý kiến trái chiều.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo

Đưa “khiếu nại đông người” vào luật


Theo báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề về dự án luật, sau khi có ý kiến của các ủy viên UBTVQH hôm 22-8 về thủ tục, quy trình giải quyết khiếu nại đông người, sáng 23-8, UBTVQH tiếp tục thảo luận về vấn đề này.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng “không thể chỉ giải quyết một nửa vấn đề” mà phải dành hẳn một chương trong Luật để quy định cụ thể về khiếu nại đông người, vì đây là một thực tế đang diễn ra khá phổ biến, cần được pháp luật điều chỉnh. Vả lại, nhiều vụ việc khiếu nại đông người cũng rất chính đáng chứ không phải tất cả đều là biểu tình, gây rối. “Quốc hội không thể lảng tránh vấn đề này và cũng không thể cứ thấy khó là “đẩy” sang cho Chính phủ quy định. Những kẻ lợi dụng khiếu nại đông người để gây rối, bạo động sẽ bị nghiêm trị theo các quy định pháp luật khác”, ông Ksor Phước nói.


Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu nói: “Quy định như thế thì có người nói chúng ta né tránh cũng không sai”. Theo bà, dù khó, UBTVQH và Quốc hội cũng phải bàn và thống nhất cho được, nếu không thì việc sửa luật rất mất công mà không có nhiều ý nghĩa. Cũng theo bà Nương, phần tiếp dân giải quyết đơn thư phải quy định trách nhiệm cụ thể, chứ không phải là hứa với dân rồi chuyển đơn chạy lòng vòng bao nhiêu năm không giải quyết được vấn đề. Hiện nay đã quy định lãnh đạo tiếp dân nhưng thực tế vì bận công việc nên có khi lãnh đạo chỉ đến “khai mạc” rồi đi, quá hình thức trong khi những bức xúc, nhu cầu của dân không được giải tỏa.


Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tiếp dân nhằm giải tỏa sớm những bức xúc có thể dẫn đến khiếu nại đông người, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc góp ý: “Nội dung về tiếp công dân cần được hết sức chú trọng trong Luật, bởi dù Chính phủ đã có quy định, nhưng hiệu quả của công tác này vừa qua không cao. Phải quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, chứ không thể cứ tiếp dân, nhận đơn rồi “kính chuyển”.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta quyết định giao cho Chính phủ quy định trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại đông người? Cần rõ lý lẽ về việc này. Đối với Tòa án, một vụ án có nhiều đồng nguyên đơn, đồng phạm tội thì trình tự giải quyết cơ bản cũng như nhau. Vấn đề cốt lõi ở đây là giải quyết khiếu nại đông người thì cơ bản vẫn là xử lý sao cho hợp lý, chứ quy định giải quyết theo một trình tự thủ tục khác thì không ổn. Ông Hiện cũng băn khoăn về việc tách khiếu nại và tố cáo thành hai dự án luật riêng biệt. Khiếu nại - tố cáo đa số trường hợp là cùng một chủ thể - hai mặt của vấn đề nên khi giải quyết tách bạch cũng khó khăn. Chưa kể thêm vào đó người dân sẽ phải chạy “lòng vòng” hai nơi chỉ để giải quyết một vấn đề, nên cần xem xét kỹ lưỡng.


Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cung cấp thêm thông tin: Ngay từ khi đưa ra thảo luận ở Quốc hội khóa XII việc có quy định cụ thể trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại đông người vào trong luật không, đã có tranh luận với nhiều loại ý kiến khác nhau. Vì vậy nên để Nghị định quy định trình tự, thủ tục cụ thể, nếu thấy có bất cập thì vài ba năm có thể điều chỉnh được.


Trước nhiều ý kiến còn khác biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu “chưa nên đưa ra kết luận ngay” mà sẽ quay trở lại vấn đề này trong phiên họp sau của UBTVQH. “Như vậy, UBTVQH đã thống nhất đưa khái niệm về khiếu nại đông người vào luật, vấn đề là quy định giải quyết cụ thể đến mức nào”, ông Hùng nói.


Cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo


Liên quan đến Luật Tố cáo, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần có cơ chế để bảo vệ người đứng đơn tố cáo, vì rất có thể họ phải chịu quá nhiều rủi ro. Thường trực UBPLQH nhận thấy đây là vấn đề rất quan trọng nhưng nguồn lực cũng như kinh nghiệm bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn hạn chế, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành. Các đại biểu UBPLQH đề nghị cho chỉnh lý, bổ sung các quy định về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; bảo vệ các quyền lợi về chính trị, kinh tế cho người tố cáo; quy định sự tham gia của tổ chức công đoàn, cơ quan quản lý lao động các cấp…


Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc giải quyết tố cáo đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ có nên áp dụng như quy trình xử lý đối với cán bộ, công chức hay không?


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận: UBTVQH cơ bản tán thành ý kiến tiếp thu chỉnh lý luật này. Việc bảo vệ người tố cáo trên nguyên tắc chung là bảo đảm bí mật thông tin cũng như lợi ích chính trị của họ. Việc tiếp nhận đơn thư cũng vậy, nên áp dụng như quy định hiện nay là tiếp nhận đơn tố cáo rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, không xem xét đơn thư nặc danh. Còn đối với những đơn mà viết rõ nội dung sự kiện thì người thủ trưởng đơn vị đó có trách nhiệm xem xét, phân biệt rõ ràng để xử lý.

Mai Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể nhận đơn rồi “kính chuyển”