Tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, quỹ đầu tư… dù là lĩnh vực đầu tư “mạo hiểm” nhưng đang là “miếng bánh ngon” mà DN nào có tiềm lực cũng thèm muốn. Tuy nhiên, thực tế đây vẫn là sân chơi của các “ông lớn”, trong đó các “đại gia” DNNN luôn chiếm thế thượng phong.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có tổng đầu tư ngoài ngành là 2.107 tỷ đồng thì có hơn 2.100 tỷ đồng đầu tư vào bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, quỹ đầu tư (chiếm 99,8%), chỉ có 5 tỷ đồng đầu tư vào các ngành khác. Những lĩnh vực này, nếu nói một cách sòng phẳng thì không phải là miếng bánh độc quyền, có không ít DN tư nhân muốn nhảy vào, vì họ đủ tiềm lực về tài chính. Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2011 cũng cho thấy sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do họ khó có cơ hội chen chân vào lãnh địa mà các tập đoàn nhà nước đang nắm giữ.
Có ý kiến cho rằng, việc các tập đoàn dùng uy tín, nguồn lực của nhà nước để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm được đã làm giảm cơ hội và hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân. Trong khi đó, đánh giá một cách tổng thể thì thị phần của các tập đoàn kinh tế nhà nước trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới vẫn rất nhỏ bé, không đáng kể.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập và hoạt động hầu hết trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, nhưng cho đến nay vẫn chưa hình thành được cơ sở thông tin, dữ liệu có thể sử dụng để phân tích, đánh giá về kết quả và hiệu quả của tập đoàn kinh tế nhà nước. Do đó, đã có những cách đánh giá khác nhau về hiệu quả thực của tập đoàn kinh tế nhà nước, và mỗi khi tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ đều viện cớ là phải gánh nhiệm vụ xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chưa có phương thức tính toán cụ thể, rạch ròi về việc “bù lỗ” cũng như hiệu quả xã hội cuả tập đoàn kinh tế nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ này. Chính sự mập mờ này dẫn đến tình trạng thiếu sòng phẳng trong sân chơi kinh tế thị trường, khi mà khối các DN khác không thể có những thế mạnh mà tập đoàn kinh tế Nhà nước đang được “trang bị”.
Hiện, nhiều đại diện tập đoàn nhà nước đang “kêu” về việc có quá nhiều đầu mối quản lý với phần vốn nhà nước tại tập đoàn, vì thế nên quy về một mối là Chính phủ quản lý thay vì Bộ ngành như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên có một sự đánh giá toàn diện về các DN này để có hướng xử lý hợp với quy luật thị trường.
Trung Nguyễn