Chiều 29/7, trong cuộc họp báo kết thúc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá 14, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nhận được nhiều câu hỏi về sự cố môi trường biển miền Trung và trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại họp báo
Báo cáo kết quả kỳ họp, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nên việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ.
Công tác nhân sự tại kỳ họp này được thực hiện đúng quy định của pháp luật, triển khai chặt chẽ, phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ của đại biểu Quốc hội, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh cụ thể đạt tỷ lệ tán thành cao, thể hiện sự đồng thuận, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, ủng hộ.
Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, 04 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 04 cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bổ nhiệm 05 Phó Thủ tướng Chính phủ, 17 Bộ trưởng, 04 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; phê chuẩn danh sách 01 Phó Chủ tịch và 04 Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh. Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện thủ tục tuyên thệ, thể hiện mạnh mẽ sự quyết tâm hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Để bảo đảm hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên thường trực và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khóa XIV.
Nhân sự được bầu hoặc phê chuẩn đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, trải qua các cương vị khác nhau, có kinh nghiệm, năng lực thực tiễn; đồng thời có số lượng và cơ cấu hợp lý, có sự tiếp nối, kế thừa kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các khóa trước và phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.
Các vị đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu, thể hiện rõ chính kiến, thảo luận dân chủ, sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng đảm nhận các công việc quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 4 chuyên đề lớn để giám sát, Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao năm 2017 liên quan đến an toàn thực phẩm và cải cách hành chính; còn hai chuyên đề giao cho các ủy ban của Quốc hội giám sát.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, thời gian tới UBTVQH sẽ vào các tỉnh miền Trung để giám sát các vấn đề liên quan đến sự cố môi trường và báo cáo kết quả với QH.
Giải thích về việc dư luận băn khoăn về việc ông Võ Kim Cự liên quan đến việc cấp phép Formosa Hà Tĩnh sai, nhưng vẫn được tham gia Ủy ban của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định, ĐBQH được quyền đăng ký tham gia vào các ủy ban của Quốc hội, ông Cự có bằng Cử nhân chuyên ngành Tài chính-ngân sách và Bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh nên có đủ điều kiện.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc với hàng loạt sai phạm của ông Võ Kim Cự liên quan đến cấp phép Formosa Hà Tĩnh, có ý kiến cho rằng cần xem xét tư cách ĐBQH của ông Cự hay không? ông Phúc cho rằng, không đủ căn cứ để xem xét tư cách ĐBQH của cá nhân ông Võ Kim Cự; còn sau này nếu các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan thì mới xem xét được.
Việc ông Cự cấp phép cho Formosa thời hạn 70 năm là không đúng thẩm quyền, sau đó UBND tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau đó đã cùng các Bộ ngành xem xét và thấy rằng có đủ điều kiện để cấp phép 70 năm - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết thêm.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, sự cố môi trường miền Trung lớn như vậy mà lại giao cho Ủy ban tham gia giám sát liệu có coi thường cử tri không? Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết: ĐBQH và QH quan tâm đến sự cố môi trường nói riêng và vấn đề môi trường nói chung. Riêng vấn đề môi trường ở miền Trung giao cho UBKHCN giám sát, không phải là không coi trọng, theo quy định Luật giám sát của QH có 5 cấp độ. 5 cấp độ này tạo thành tổng thể hoạt động giám sát QH. QH sẽ tiếp tục theo dõi và chỉ đạo về sự cố nói trên.
Ông Hùng cho biết thêm, các ĐBQH và các cơ quan chức năng của Quốc hội có chức năng giám sát, còn giao cho cơ quan chuyên môn, chúng ta có thể tin tưởng là khả năng giám sát được. Hoạt động giám sát này của QH rất cần được cử tri, các cơ quan báo chí cùng tham gia.