Không có nồi cơm Thạch Sanh

Bảo Dân| 08/11/2017 08:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực trạng bộ máy hành chính công quyền nước ta quá cồng kềnh mang hiệu quả thấp không mới mà kỳ họp Quốc hội lần này vẫn được đem ra thảo luận với báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, càng làm nổi bật thực trạng đáng quan tâm, lo ngại này.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong số hơn 30.000 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính chỉ có 3,7% đảm bảo được chi phí hoạt động. Vậy là hầu hết các đơn vị vẫn do ngân sách nhà nước đài thọ. Bởi vậy mới có chuyện địa phương vung tay quá trán, tiêu hoang đến nỗi hết tiền chi thường xuyên. 

Có xã nợ lương, nợ BHXH, nợ… nhậu xuyên nhiệm kỳ. Lại có xã bị chủ quán hăm đốt trụ sở vì nợ tiền tiếp khách, ăn nhậu.

Dù cố gắng cải cách, giảm biên chế nhưng trong hai năm 2015 - 2016 mới giảm được 0,83% trong khi tổng biên chế tính từ năm 2011 - 2016 đã phình thêm gần 4,8% và đến nay 11 địa phương vẫn đang có biên chế vượt quá số lượng được giao.

Tại diễn đàn Quốc hội,  một số ĐBQH cho rằng việc giảm biên chế sẽ bất khả thi bởi nếu không đánh giá được năng lực cán bộ thì rất khó tinh giản đúng đối tượng. Còn nhớ Bộ Nội vụ đưa ra con số 6 phần ngàn công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Cứ coi như là sẽ giảm ngay số người không hoàn thành nhiệm vụ này thì đến bao giờ mới tinh giản được biên chế.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, khó tinh gọn, có ĐBQH cho là do bộ máy vẫn còn có quá nhiều tầng nấc trung gian, với các chức vụ, cấp hàm được bổ nhiệm tràn lan, vô lý. Tầng nấc này  được  chỉ ra chính là các tổng cục.

Được biết hiện nay có hơn 40 tổng cục của 17 bộ. Đây là các “Bộ con” vì cũng có bộ máy văn phòng và các cục, vụ như một bộ. Cấp cục vụ cũng có số phòng vượt trội dẫn đến tình trạng trạng cả cục làm lãnh đạo. Ở một cơ quan Trung ương người ta đếm được 2 vị hàm vụ trưởng và 3 vị hàm vụ phó nên có chuyện người hàm nhỏ phải đánh ấm chén pha trà.

Ngoài ra, các ĐBQH còn lưu ý rằng vẫn còn hiện tượng trên có bộ máy nào thì dưới cũng có y chang. Nạn ôm đồm, dưới đùn đẩy, việc hơi phức tạp là trình cấp trên, kể cả Thủ tướng xin chỉ đạo dẫn đến quá tải ở trên, công việc bị ách tắc.

Hẳn vì vậy mà đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khẳng định: "Chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng, đến lúc đó mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc tinh gọn bộ máy và biên chế theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị TW lần thứ 6. Mục tiêu giảm 400.000 biên chế trong 4 năm tới là rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Ôn cố tri tân, trong kho tàng cổ tích Việt Nam có câu chuyện cậu bé tiều phu Thạch Sanh có nỏ thần, đàn thần và nồi cơm kỳ diệu vơi mấy cũng lại đầy. Nhờ đó khi cầm quân đánh giặc, chàng đã đánh đàn địch vận và thổi cơm cho lũ giặc ăn no rồi cuốn gói về nước...

Chuyện nồi cơm thần nào ngờ lại được đem ra nghị trường để nhận xét rằng ngân sách nhà nước ta bây giờ dẫu có như nồi cơm Thạch Sanh cũng không thể nuôi nổi bộ máy cán bộ, công chức, viên chức phình ra như hiện nay. Thế nhưng, không có nồi cơm Thạch Sanh mà chỉ có Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội đòi hỏi phải khẩn trương tinh giản biên chế để sau 2 năm tiết kiệm đủ tiền giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành! Phải xem việc tinh gọn bộ máy cũng cấp bách như phòng chống thiên tai, phòng chống tham nhũng, may ra nhiệm vụ này mới hoàn thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có nồi cơm Thạch Sanh