Không chỉ là cái tên

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu chuyện hai nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và cà phê Đắk Lắk bị các doanh nghiệp của Trung Quốc và Pháp đăng ký bảo hộ một lần nữa cho thấy sự chủ quan và chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.

Cà phê Buôn Ma Thuột từ lâu được người Việt Nam ưa chuộng Ảnh: Internet

Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những thương hiệu nổi tiếng của cà phê Việt Nam. Đắk Lắk là nơi sản xuất ra hơn 50% sản lượng cà phê của cả nước, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ nhì thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Sở hữu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng thế giới, nhưng tỉnh Đắk Lắk lại để mất hai thương hiệu này vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Để lấy lại thương hiệu sẽ phải mất thời gian, tiền bạc công sức và cũng rất khó khăn do phải tuân theo pháp luật của nước ngoài. Trước đây, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên, bánh đậu xanh Hải Dương... cũng gặp tình trạng tương tự.

Điều đáng nói là việc nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký ở Trung Quốc đã được phát hiện và nhắc nhở từ cách đây 2 năm. Khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết đã cảnh báo Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột về hiện tượng này. Nhưng tiếc rằng, sự phản ứng của các doanh nghiệp lại quá chậm trễ. Hơn nữa, cũng không thể chỉ trách các doanh nghiệp, bởi cà phê Buôn Ma Thuột được trao Quyết định về cấp đăng bạ quốc gia từ tháng 10-2005 về việc công nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý, nhưng gần 6 năm sau, tháng 8-2011, chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý mới được Sở KH&CN Đắk Lắk cấp cho 8 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột.

Theo các chuyên gia, một nguyên tắc chung khi đăng ký bảo hộ thương hiệu là nộp đơn đầu tiên. Nghĩa là ai nộp trước sẽ được quyền sở hữu. Nếu không nhanh chóng triển khai việc đăng ký các thương hiệu theo hệ thống đăng ký quốc tế thì không loại trừ trường hợp các công ty của nước ngoài đã đăng ký thương hiệu của Việt Nam sẽ tiếp tục chiếm đoạt nhãn hiệu này, và tiếp tục đăng ký bảo hộ ở các quốc gia khác. Khi đó thì sẽ còn phức tạp, mất thời gian và chi phí tốn kém hơn rất nhiều. Từ những vụ việc này, các nhà sản xuất của Việt Nam cần phải quan tâm hơn nữa đến việc bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở nước ngoài, thông qua nhiều cách thức khác nhau.

Thương hiệu không chỉ là cái tên, mà còn là biểu hiện sự thành công của sản phẩm và cũng là hình ảnh của một quốc gia. Việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu cần phải được coi trọng hơn nữa, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là cái tên