TCB lên sàn là một trong những thương vụ niêm yết nóng nhất trên thị trường chứng khoán trong 2018.
Giá cổ phiếu mặc dù đang hồi phục, nhưng vẫn thấp hơn 20% so với mức giá 128.000 đồng/cp mà khối ngoại đã mua, và thậm chí đã đăng ký rất nhiều mà không được mua. Ngoài ra, mức giá 128.000đ/cp này vẫn thấp hơn nhiều so với mức định giá 153.000 đồng/cp mà CTCK Bản Việt đưa ra gần đây. Vậy lý do vì sao các nhà đầu tư nước ngoài lại đua nhau đăng ký mua với giá 128.000đ/cp và mong muốn kiếm lời từ cổ phiếu này?
Nhà đầu tư nước ngoài (NĐT NN) thường so sánh với công ty có vốn hoá lớn nhất trong ngành, cụ thể là Vietcombank, và không thể phủ nhận TCB là một trong những ngân hàng tư nhân tốt nhất Việt Nam với rất nhiều cái nhất. Tính đến cuối 2017, TCB đang giữ vị trí số 1 về cho vay mua nhà phân khúc cao với 31% thị phần, số 1 về phân phối bảo hiểm với 26% thị phần, số 1 về giao dịch thẻ tín dụng VISA, số 1 về mảng bán lẻ trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm đầu tư…Thêm vào đó, TCB có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất và chỉ số hiệu quả lợi nhuận như ROE, ROA lại cao nhất ngành. Theo thông lệ thị trường, những công ty đầu ngành được định giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung.
Vậy định giá giữa TCB và VCB, cũng là một ngân hàng đầu ngành, đang như thế nào?
Nếu sử dụng giá tham chiếu khi niêm yết là 128.000/cp, giá trị thị trường của TCB là 149.000 tỷ, thấp hơn khoảng 44% so với của VCB là 214.700 tỷ. Sau khi Đại hội đồng cổ đông bất thường Techcombank đồng ý tăng vốn điều lệ hôm 14/6/2018, Techcombank đã trở thành 1 trong 3 ngân hàng niêm yết có vốn lớn nhất tại Việt nam, tương đương BIDV và VCB. Mặc dù quy mô vốn tương đồng, hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng tài sản tốt hơn, nhưng ở mức giá 128.000đ/cp, giá trị thị trường cùng giá cổ phiếu của TCB vẫn còn tăng thêm 44% mới đạt đến giá trị thị trường của VCB. Đây là điều mà NĐT NN nhìn ra được.
Lượng đặt mua của NĐT NN là khoảng 4 tỷ đô la Mỹ, cao hơn nhiều lần so với lượng mà TCB đã chào bán. Lưu ý là những NĐT NN mua TCB vừa rồi đều là những tên “khủng” đang quản lý nhiều trăm hoặc ngàn tỷ đô la Mỹ trên thế giới như GIC, Capital Group, Franklin Templeton, Fidelity,…Số lượng cổ phiếu mà Techcombank chào bán vừa rồi là quá ít cho doanh mục của họ. Hơn thế nữa, TCB hiện là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 7 trên HOSE. Vì vậy, cổ phiếu này sẽ luôn là mục tiêu của các quỹ ETF nếu có room để có thể mua vào. Vì vậy, khả năng các quỹ đã được phân bổ trong đợt chào bán vừa rồi tung ra thị trường để chốt lời là rất thấp, hoặc nếu có bán thì sẽ bán cao hơn so với giá 128.000 họ đã mua được.
Sau khi tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường để chốt việc chia cổ phiếu theo tỷ lệ 1: 2 (sở hữu 1 cổ phiếu cũ sẽ được nhận thêm 2 cổ phiếu mới), giá cổ phiếu TCB sẽ được điều chỉnh xuống còn 1/3 so với giá hiện tại. Tức là nếu tính ở mức giá tham chiếu 128.000đ/cp thì sẽ được điều chỉnh chỉ còn khoảng 42.600/cp, như vậy còn trên 40% mới đạt bằng với giá cổ phiếu VCB hiện nay là khoảng 59.500.