Sự ra đời của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công chuẩn bị đã chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước trong hơn hai phần ba thế kỷ, kể từ khi Tổ quốc ta bị đế quốc xâm lược.
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo xây dựng, rèn luyện Đảng ta thành một Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, và cho đến hôm nay, những lời Người căn dặn vẫn còn nguyên giá trị…
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân
Có thể nói quan điểm cách mạng nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói riêng mà Người để lại mãi mãi tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tuy nhiên tư tưởng của Người xác định rõ, đó là không được tự mãn, chủ quan mà phải luôn luôn rèn luyện, chỉnh đốn. Trong bản Di chúc trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn đến mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Trong bài nói tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương (ngày 11-5-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”. Người yêu cầu cán bộ phụ trách ở Trung ương “cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều...”, “Phải sửa đổi lề lối làm việc cho thiết thực, để giải quyết công việc cho tốt, cho nhanh”; làm việc gì cũng phải có tổ chức tốt, lãnh đạo phải sâu sát thực tế; lề lối làm việc phải dân chủ, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên.
Để sửa đổi lề lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi việc bất kỳ to, nhỏ phải có kế hoạch, phải bàn bạc kỹ, phải giải thích cho dân hiểu rõ, sao cho dân vui vẻ thi đua làm, hết sức tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Người chỉ rõ: “Cần phải gắn chặt công việc với tư tưởng và lề lối làm việc, vì mỗi công việc thành hay bại đều do tư tưởng và lề lối làm việc đúng hay sai”.
Để đổi mới phong cách lãnh đạo của Đảng, Người yêu cầu: Lãnh đạo phải toàn diện, cụ thể, sâu sát thực tế, cán bộ lãnh đạo các cấp phải khắc phục hiện tượng đại khái, chung chung, tuỳ tiện, phiến diện, vô nguyên tắc, thiếu dân chủ, tác phong quan liêu mệnh lệnh, chủ quan, thoả mãn. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh yêu cầu các cấp ủy đảng phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, theo dõi việc thực hiện.
Nói và làm theo lời Bác dạy
Đến nay Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tư tưởng của Người vẫn sống với chúng ta, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (họp từ ngày 26 đến 31-12-2011 tại Hà Nội) nhận định: Hiện nay, bối cảnh trong nước và tình hình trong nước vừa có thuận lợi và thời cơ, vừa có khó khăn và thách thức. Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Ðảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Ðảng bị vi phạm… Trong tình hình ấy, nếu Ðảng ta không vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ta đi lên.
Suốt 82 năm qua, sự đoàn kết nhất trí luôn là truyền thống quý báu tạo nên sức mạnh của Đảng ta. Trong ảnh: Biểu quyết thông qua quy chế làm việc của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI ngày 11.1.2011. Ảnh: tư liệu
Chính vì vậy Hội nghị quyết định phải tiếp tục tiến hành củng cố, xây dựng Ðảng với tinh thần tích cực và kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra bước chuyển biến mới trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định và mục tiêu lý tưởng cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động, củng cố tổ chức chặt chẽ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng ta, coi đây là vấn đề sống còn của Ðảng ta, chế độ ta. Theo đó, Hội nghị đã ra Nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” với 3 nội dung trọng yếu: Một là: Phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Hai là: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Ba là: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất.
Như vậy có thể nói, hạnh phúc đối với dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam là có tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đường chỉ lối. Càng hạnh phúc khi tư tưởng ấy, học thuyết ấy được kế thừa theo tinh thần trung thành các nguyên lý bản chất và luôn được bổ sung, đổi mới, nhất là trong thời kỳ đầy khó khăn, phức tạp như hiện nay.
Để làm được điều đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, mỗi đảng viên chúng ta dù công tác ở bất kỳ lĩnh vực, cương vị nào cũng cần tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào những việc cần thiết, cấp bách và có thể làm ngay trên cơ sở thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Ðảng. Bên cạnh đó, các tổ chức cơ sở Đảng cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không né tránh; phân tích sâu sắc, thuyết phục về những nguyên nhân chủ quan và khách quan; các giải pháp bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, bằng hành động cụ thể để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất hiện nay; chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao trong toàn Ðảng để đưa đất nước gặt hái nhiều thành công trong thời kỳ CNH, HDH đất nước. Đó cũng chính là ý nguyện của Người trước lúc đi xa.
Kim Ngân