Bắt đầu từ 18h45, tại nhà Cửu vị thần công phía trong cửa Thể Nhơn là không khí trang nghiêm của nghi lễ cúng 9 vị "Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Quân," cùng nghi thức khai hỏa nhằm tôn vinh bảo vật quốc gia, tiếp đến là Lễ đổi gác diễn ra trước Ngọ Môn.
Chương trình Đêm Hoàng Cung được tổ chức vào tối ngày 15 và 19/4.
Trong Hoàng thành, Đêm Hoàng Cung được phân thành 3 trục: trục Trung đạo, trục Tây điện Thái Hòa và trục Đông điện Thái Hòa.
Tại Trục Trung đạo (từ Cầu Trung đạo thẳng đến cửa Hòa Bình ở phía bắc) là các điểm nhấn về Cung nữ đón khách; Đêm Phương Đông; các trò chơi cung đình và thú tiêu khiển Huế xưa; yến tiệc hoàng cung; đời sống cung tần mỹ nữ; các sắp đặt mặt nạ tuồng; sắp đặt “bãi triều”; các triển lãm cổ vật ngự thiện, Ngự bút châu phê của Hoàng đế, họa tiết cung đình, Huế xưa…
Trục Tây điện Thái Hòa với các điểm nhấn tôn vinh Cửu Đỉnh ở Thế Miếu; Âm sắc Việt và hoạt cảnh Thái hậu tiếp khách tại cung Diên Thọ; Đám cưới công chúa tại cung Trường Sanh.
Trục Đông điện Thái Hòa với các điểm nhấn Khám phá thượng uyển Cơ Hạ với chương trình vũ khúc cung đình; trích đoạn tuồng cung đình; múa Tứ linh cùng nhiều hoạt cảnh hoàng tử, công chúa nô đùa, các vương tôn xướng họa, ca Huế; Lễ tiến gạch vào cung tại Phủ Nội Vụ; Cấm vệ quân luyện võ tại Đông Khuyết Đài...
Một số hình ảnh tại chương trình
Đặc biệt, chương trình yến tiệc hoàng cung giúp thực khách có cái nhìn đúng đắn hơn về ẩm thực cung đình Huế. Sử dụng thủ pháp đồng hiện, bối cảnh và tính chất của buổi tiệc là sự tái hiện phần nào buổi Ngự yến của vua Nguyễn dùng để thết đãi các hoàng thân trong chốn hoàng cung. Tất cả các dụng cụ để phục vụ cho các buổi Ngự yến từ bát, chén đĩa, muỗng, đũa, khăn ăn… đều được chuẩn bị công phu. Các món ăn được lựa chọn với chất lượng cao nhất, chế biến, trình bày tỉ mỉ, tinh tế đúng theo tinh thần của ẩm thực cung đình Huế. Ban tổ chức đã mời nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh, cháu nội của vị Đội trưởng đội Thượng thiện cuối cùng của triều Nguyễn - Hoàng Văn Tá chủ trì chương trình này.
Đêm Hoàng Cung được tổ chức đã khơi gợi đời sống của chốn thâm cung, du khách dường như đang ngược về quá khứ để hoà mình vào những sinh hoạt cung đình xa xưa. Tất cả như đang hiện về với những sắc màu lung linh, huyền ảo: từ Ngọ Môn, điện Thái Hoà, điện Cần Chánh đến điện Càn Thành, cung Khôn Thái, Thế Miếu, cung Diên Thọ đến Duyệt Thị Đường, vườn Cơ Hạ...đều có thể gợi lên những hình bóng của lịch sử, nó được mở ra như từng trang sách…
PV