Đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 nhưng đến thời điểm này, Việt Nam mới đón trên 2,3 triệu lượt (chưa đạt 50%).
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam của khách quốc tế đang tăng cao. Trong đó, tốp 10 địa điểm được tìm kiếm nhiều nhất gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Huế (Thừa Thiên - Huế), Quy Nhơn (Bình Định) và Phan Thiết (Bình Thuận).
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú tại Việt Nam trong tháng 10-2022 tiếp tục tăng, cao hơn khoảng 20% so với tháng 9-2022 và cao gấp 11 lần so với tháng 3-2022. Tốp 10 quốc gia có du khách tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm: Mỹ, Úc, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Malaysia, Thái Lan và Đức.
Đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 nhưng đến thời điểm này, Việt Nam mới đón trên 2,3 triệu lượt (chưa đạt 50%). Tổng cục Du lịch cho hay tính riêng trong tháng 10-2022, cả nước đón khoảng 485.000 lượt khách quốc tế, tăng 12,1% so với tháng trước.
Thống kê cũng cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay chủ yếu vẫn từ thị trường châu Á (chiếm 70%), trong đó Hàn Quốc đóng góp hơn 37%, Đông Nam Á đóng góp gần 35%. Hiện khách châu Âu đến Việt Nam mới đạt khoảng 320.000 lượt, chiếm 13,7%.
Lý giải vì sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua còn hạn chế, các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là việc Trung Quốc - thị trường chính chiếm hơn 32% lượng khách vào Việt Nam trước dịch - vẫn chưa mở cửa. Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng làm ảnh hưởng đến lượng khách Nga cũng như nguồn khách từ châu Âu, vốn đứng thứ hai trước dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, như: áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương ứng, tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ. Lợi thế cạnh tranh trong việc cấp thị thực, thời gian lưu trú của Việt Nam cũng chưa thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác. Chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp visa điện tử đã được triển khai nhưng tính cạnh tranh chưa cao.
Do vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch Việt Nam cần có thêm các chương trình xúc tiến tại nước ngoài, tìm kiếm nguồn khách ở các thị trường mới cũng như tăng cường các đường bay mới. Thời gian qua, Phú Quốc liên tục đón các chuyến bay từ châu Âu và các nước Trung Á. Khánh Hòa cũng có nhiều chương trình quảng bá và các buổi hội thảo với đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường khách ở Hàn Quốc; tìm nguồn khách mới từ Kazakhstan, Ấn Độ...