Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 chiều 6/9, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Các chuyên gia khẳng định, có sửa Luật đến đâu cũng không hiệu quả nếu chúng ta không kiểm soát được tài sản.
Điểm mới và kỳ vọng
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), (gọi tắt là Luật PCTN), có nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, liêm chính là một chế định mới được quy định trong dự thảo Luật trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật hiện hành bao gồm: quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu
Đó là, không được cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh đối với tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết công việc; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp hoặc là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điểm nổi bật so với pháp luật hiện hành là: người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc hoặc mua bán hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Không bố trí người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người thuộc một trong các trường hợp sau: Có bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó được dự kiến bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.
Theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, một trong điểm mới nữa của dự án luật là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, đặc biệt là khi chủ trương này đã thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 2015 khi quy định nhóm tội phạm về tham nhũng.
Theo đó, đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế bắt buộc phải thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư…
Ngoài ra, dự thảo cơ bản giữ nguyên quy định về các hành vi tham nhũng như Luật hiện hành, tuy nhiên có chỉnh lý, làm rõ cho phù hợp và đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng. Theo đó, hành vi tham nhũng bao gồm 12 hành vi trong đó có 07 hành vi thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, 04 hành vi thuộc nhóm tội phạm khác theo quy định của Bộ luật Hình sự và 01 hành vi (nhũng nhiễu) được quy định trong Luật này.
Phải kiểm soát được tài sản
Các đại biểu cho rằng, xây dựng chế độ liêm chính là rất cần thiết, vì đây được coi là trụ cột trong phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ quy định và đưa việc giáo dục phòng ngừa tham nhũng tại trường học, đó là Học viện Tòa án, Học viện Kiểm sát…để giảng dạy bộ môn này. Bên cạnh đó cần quy định cấm nhận quà, tặng quà dưới mọi hình thức đối với người giữ chức vụ quản lý. Nếu quy định phải công khai quà tặng là không hợp lý, dễ tạo cơ hội cho cán bộ vòi vình khi làm việc (Điều 26).
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền đưa ra nhận định: không kiểm soát được tài sản thì coi như “vô phương” chống tham nhũng.
Ông cho rằng, chúng ta xây dựng Luật này trong tình trạng hết sức khó khăn vì các Luật khác vừa được thông qua cũng đã quy định nhiều về PCTN. Chưa kể, tất cả những văn bản nào ra đời cũng có thể liên quan đến tham nhũng. Vậy nên Luật này chỉ có thể điều chỉnh một phần rất nhỏ trong đó mà thôi nên chúng ta đừng quá kỳ vọng sẽ xử lý được tất cả các hành vi tham nhũng khi không kiểm soát được tài sản.
Theo ông Quyền, thực tế chống tham nhũng hiện nay của chúng ta không hiệu quả là vì đang quá hình thức do không kiểm soát được tài sản, trong khi đây phải là bảo bối của công tác này. Các nước khác họ đang làm rất tốt việc này nên chống tham nhũng hiệu quả. Chỉ cần có sự chuyển dịch tài sản, tiền của bất cứ cá nhân nào thì cơ quan quản lý đều nắm được.
Hơn nữa, tham nhũng là loại tội phạm ẩn nhưng tất cả những biện pháp mà chúng ta đang làm là những biện pháp thông thường như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... nên khó đối phó, ông nhấn mạnh.
Điều 23 dự thảo Luật quy định về liêm chính đang mở rộng quá và sẽ khó khả thi vì liên quan đến nhiều luật như các về Luật đầu tư, kinh doanh và quyền về tài sản của công dân theo BLDS. Tính hợp Hiến sẽ không được bảo đảm vì sẽ mâu thuẫn với những Luật đã ban hành trước đó cũng có quy định về vấn đề này.
Liêm chính, mở rộng là cần thiết, nhưng chún ta không nên quá kỳ vọng vào sự tự giác trong kê khai tài sản mà lại không có biện pháp kiểm soát lại sự liêm chính này. Vì việc xác min tài sản kê khai đang làm rất hình thức khi giao cho một số cán bộ làm công tác tổ chức thực hiện. Vì có những vụ án tham nhũng điều tra lên xuống vẫn không xác minh ra tài sản của người vi phạm, thì giao việc đó cho người không có chuyên môn là sự kỳ vọng không tưởng, ông nhấn mạnh.
Ông cũng cảnh báo, dự thảo Luật đang mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang cả lĩnh vực tư là không đúng. Vì khi mở rộng thẩm quyền nếu không cẩn thận chúng ta lặp lại chức năng kiểm soát chung giống chức năng của VKS trước đây (VKS đã phải bỏ chức năng này). Rồi công tác thanh tra, kiểm tra lại bùng phát hành DN, trong khi Thủ tướng đang phải kêu gọi mỗi năm chỉ thanh tra một lần...
Do vậy để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả, phải có cả việc kiểm soát thanh tra, kiểm toán đối với những vụ tham nhũng. Như Vụ Vinashin, Vinaline, 11 đoàn kiểm tra vào không phát hiện ra sai phạm. Nên đề nghị đối với những vụ thanh tra, kiểm toán đã vào mà không phát hiện ra sai phạm, về sau khi cơ quan điều tra lại phát hiện ra, thì thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm.