Báo Ha'aretz của Israel đưa tin, nước này gần đây đã thực hiện ít nhất 20 vụ nổ thử nghiệm trong hai chương trình thử nghiệm "Cánh đồng xanh" và "Nhà Đỏ" trên sa mạc phía Nam, nhằm đánh giá mức độ thiệt hại trong trường hợp xảy ra tấn công "bom bẩn".
Theo kết quả nghiên cứu, tại trung tâm các vụ nổ thử nghiệm có nồng độ phóng xạ ở mức cao, trong khi mức độ tán xạ do ảnh hưởng của gió thấp. Điều này không gây ra mối đe dọa đáng kể ngoài những tác động về mặt tâm lý. Tuy nhiên, có mối lo ngại về tác động của một vụ nổ phóng xạ trong một không gian khép kín, đòi hỏi phải đóng cửa khu vực này trong một thời gian dài, cho đến khi loại bỏ hoàn toàn những tác động phóng xạ.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Israel đã từ chối bình luận về thông tin trên, tuy nhiên những kết quả về các cuộc thử nghiệm đã từng được công bố trên hàng loạt bài báo học thuật.
"Bom bẩn" là loại vũ khí tích hợp các nguyên liệu phóng xạ được sử dụng rộng rãi với các chất nổ thông thường. Theo Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế, hiện chưa có quốc gia hay tổ chức nào sử dụng loại vũ khí này.
Theo một bài báo đã đăng trên Tập san Môi trường Không khí, Israel đã bắt đầu thử những ảnh hưởng của bom bẩn từ năm 2004 và các vụ nổ thử nghiệm gần đây nhất đã diễn ra vào năm 2014. Các cuộc thử nghiệm này được tiến hành ở Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Negev, một lò phản ứng hạt nhân nằm ở ngoại ô thị trấn phía Nam Dimona ở sa mạc Negev. Theo các nhà khoa học, các cuộc thử nghiệm này được thực hiện cho những mục đích phòng thủ.