Trong đêm 5/7, hàng ngàn người dân Hy Lạp đã vui mừng nhảy múa, ăn mừng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, niềm vui này sẽ kéo dài được bao lâu?
Có tới 61% cử tri Hy Lạp trả lời “không” với gói cứu trợ của Châu Âu. Điều này có nghĩa là Hy Lạp sẽ không thể chấp nhận cái vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại của chính sách "thắt lưng buộc bụng" nữa. Nó cho thấy quan điểm rõ ràng của người dân rằng, họ không muốn đất nước mình lún sâu vào suy thoái với những chính sách hà khắc của bộ ba chủ nợ quốc tế thêm nữa. Qua kết quả này, họ cũng muốn châu Âu nới rộng chính sách cho Hy Lạp để nước này có cơ hội quay trở lại với tăng trưởng, qua đó có khả năng trả nợ.
Người dân Hy Lạp vui mừng trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý
Với chính sách “thắt lưng buộc bụng” nhiều năm qua, hàng triệu người dân Hy Lạp không có việc làm, nền kinh tế kiệt quệ. Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras thậm chí còn gọi gói cứu trợ của châu Âu là “gói cứu trợ nhục nhã”. Ông đã kêu gọi người dân nói “không” trong cuộc trưng cầu dân ý.
Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7, được coi là một chiến thắng của Thủ tướng Tsipras. Ông coi chiến thắng này là ngoài sự mong đợi và là “sự chiến thắng của dân chủ”. Ông còn ca ngợi những người dân Hy Lạp là đã có những lựa chọn dũng cảm. Ông cũng tuyên bố, kết quả bỏ phiếu nói trên sẽ giúp nước này có thêm sức mạnh trên bàn đàm phán. Ông cũng kỳ vọng rằng, nó sẽ buộc các chủ nợ xóa 30% tổng số tiền nợ và lùi thời hạn trả phần còn lại thêm 20 năm nữa.
Bên cạnh đó, việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp, Yanis Varoufakis bất ngờ từ chức hôm 6/7, khiến không ít người ngỡ ngàng. Theo ông Varoufakis, quyết định từ chức của ông có thể giúp Thủ tướng Tsipras dễ đạt được thỏa thuận hơn. Giới quan sát nhận định, việc “thí tốt” này, chứng tỏ ông Tsipras tha thiết đạt được một thỏa thuận cứu trợ có những điều kiện tốt hơn cho Athens.
Tuy vậy, kết quả này cũng khiến Hy Lạp tiến gần tới nguy cơ rời khỏi Eurozone.
Theo đài BBC, dù Hy Lạp ra đi hay ở lại Eurozone thì cả hai bên đều phải trả những cái giá kinh khủng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng của Hy Lạp đã tiến gần bờ vực sụp đổ hoàn toàn, các lãnh đạo châu Âu không còn nhiều thời gian để lựa chọn.
Ông Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch Eurogroup (Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Eurozone) cảnh báo, Hy Lạp sẽ không vui lâu được và sẽ phải trả giá cho những quyết định đó trong tương lai. “Để phục hồi kinh tế, Athens sẽ không thể tránh khỏi các biện pháp cải cách khắc nghiệt”, ông Dijsselbloem nhận định.
Ngay trong ngày hôm qua 6/7, Thủ tướng Đức, Angela Merkel tức tốc lên đường sang Paris để thảo luận với Tổng thống Pháp, François Hollande. Hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên khu vực đồng euro (Eurozone) cũng được triệu tập khẩn cấp vào ngày 7/7.
Thực tế cho thấy, thời gian đang không ủng hộ Thủ tướng Alexis Tsipras cũng như các nhà lãnh đạo Châu Âu vì cuộc khủng hoảng này đã quá tồi tệ. Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ mất sạch những gì đã xây dựng sau 34 năm hòa nhập với kinh tế châu Âu. Gói cứu trợ đã hết hạn vào ngày 30/6. Nếu không có trợ giúp từ các định chế tài chính, các ngân hàng Hy Lạp sẽ khó có thể mở cửa trở lại. Theo tuyên bố trước đó, các ngân hàng Hy Lạp sẽ mở cửa lại vào ngày 7/7. Tuy nhiên, nếu không có các gói cứu trợ mới từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thì việc hết sạch tiền mặt chỉ trong mấy ngày là không thể tránh khỏi.
Trong khi đó, các chủ nợ quốc tế cũng không thể mạnh tay vung tiền cứu Athens khi quốc gia này cứ nhất quyết không chấp nhận các định chế tài chính. Bởi ngoài Hy Lạp, các nước khác trong Eurozone như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia cũng đang chật vật với khủng hoảng nợ. Nếu Châu Âu nương tay với Hy lạp thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với những nước còn lại? Chính vì lẽ đó, các nhà lãnh đạo quyết ép Hy Lạp đến cùng.
Vì vậy, cuộc đàm phán này đang được dự báo là rất cam go. Nếu đàm phán không thành công, việc Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone là điều không tránh khỏi. Và điều gì đang chờ Hy Lạp ở phía trước?